ads slot

Tin bài đã đưa:

𝚗ế𝚞 đượ𝚌 𝚟ề 𝙽ê 𝚝𝚑ì 𝚝𝚑í𝚌𝚑 𝚗𝚑ấ𝚝...

 "...𝚗ế𝚞 đượ𝚌 𝚟ề 𝙽ê 𝚝𝚑ì 𝚝𝚑í𝚌𝚑 𝚗𝚑ấ𝚝..."

Hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới?
người ơi và tình ơi?!



Nghe tin cha Giuse Can mất, lòng ngậm ngùi nhưng không bất ngờ. Vì đã nghe tin Cha yếu từ cách đây gần tháng. Mượn ý trong bài hát “Khúc thuỵ du” của nhạc sĩ Anh Bằng để nói về cuộc đời Cha Giuse Trần Đăng Can. Dù về tuổi đời, trong đạo ngoài đời, con chỉ xứng làm bậc cháu, chắt của Cha
Đầu năm 2018, Cha bị biến chứng tiểu đường thập tử nhất sinh.
Nhưng vì lúc bệnh chuyển nặng là vào 26,27 tháng Chạp, đã giáp Tết Âm lịch nên Cha - khi đó còn là cha chính xứ Yên Mỹ, nhất quyết không cho ai đưa đi viện vì sợ phiền. Đến mùng 3 Tết, vì mọi người thấy Cha yếu tưởng như đã hấp hối nên mới đưa Cha đi viện.
Dù có thông tin Cha yếu nặng, nhưng kề cận Cha khi đó chỉ có thường trực một bà giúp nấu ăn cho Cha từ khi Cha rời Tử Nê về Yên Mỹ. Thi thoảng có cháu Cha từ Đại Lãm hoặc một, hai người thân cận. Nhưng cũng chỉ được chốc lát…
Cùng vài người vào thăm, con có ở lại, và trò chuyện vài ba câu chuyện về Đạo và về Cha…
Ít người trẻ biết, giáo phận Bắc Ninh từng một thời nổi tiếng thế giới vì là giáo phận có “một linh mục rưỡi”. Bởi cả giáo phận có 02 linh mục, nhưng một Cha là linh mục chui (truyền chức hợp pháp theo giáo luật nhưng không được xã hội công nhận và cho hoạt động công khai) còn vị linh mục “tròn trịa” còn lại là Cha Giuse Can.
Nhân được gần gũi Cha, con có hỏi dò Cha về việc ngày đó cả giáo phận có một mình Cha là công khai, như là anh cả của linh mục đoàn. Đã bao giờ Cha được ngỏ ý về việc được chọn làm Giám mục chưa? (Thực ra, câu hỏi như là câu chuyện mua vui, giải khuây những lúc Cha con nhìn nhau)
Cha im lặng chừng 10 giây và trả lời:
-Mình có là gì đâu mà làm Giám mục được hả con?
Vì Cha chẳng trả lời có hay không được ngỏ ý làm Giám mục nên cũng chẳng ai biết đáp án chính xác, mà chỉ hỏi lại một câu như tự vấn: “mình có là gì?”
Có là gì? Có là gì đâu?Phải chăng, chức Thánh với Cha luôn là sự cao trọng lớn lao. Đến nỗi, Cha luôn đau đáu trong chức Thánh, mình có là gì đâu?
30 năm chính xứ Tử Nê, Cha yêu Tử Nê nhiều và nhiều biết bao nhiêu.
Năm đó, Cha đã nói sau đợt ốm này mà qua được sẽ về xin Đức Cha nghỉ hưu…Vì khi đó Bắc Ninh chưa có nhà hưu linh mục. Các Cha hưu thường sẽ xin theo ý riêng với Đức Cha.
Con hỏi:
-Thế Cha định xin về đâu, về Nê nhéeeeee?
-Ý của Toà giám mục thế nào thì mình theo vậy….À, nhưng nếu mà được về Nê thì thích nhất…Mà nếu không về Nê thì xin về Mốt cho gần, hay sang La cũng được. (cười rất tươi)
-Thế Cha không về quê ở Bâm à?
-Về quê thì cũng được, nhưng lại phiền con cháu…(giọng Cha trùng xuống)
(Im lặng khoảng 10s Cha lại tiếp lời hồ hởi)
-Về Nê thì Cha sẽ gọi cái xe, chuyển cái ti vi với ít sách (trên Yên Mỹ) về Nê. Ở cái nhà cũ ngày xưa đấy, nó cũ rồi nhưng sửa lại vẫn ở được tốt...Nhưng mà Đức Cha cho về đâu thì cho, cũng xin vâng lời…
Cha lại cười móm mém và nhìn xa xa…
Biến chứng tiểu đường làm Cha gần như kiệt sức, đi lại khó khăn, và tất nhiên chuyện vệ sinh cũng khó khăn theo.
Ngặt nỗi, giúp Cha thì chỉ có một bà giúp nấu ăn xưa, nên trừ khi hiếm hoạ không thể nhờ ai là con trai Cha mới chịu để bà dìu đi. Nhiều khi, bà muốn giúp nhưng Cha còn quát tháo nặng lời vì lẽ nhà Đạo là thanh tịnh độc thân.
Một hôm, giữa khuya tầm 12h đêm, bà giúp việc ra gọi con vào bảo đưa Cha đi vệ sinh. Khổ nỗi, Cha thì nặng, mà con thì nhẹ hơn Cha cả mười mấy cân. Nên dù sức thanh niên cũng khó khăn để dìu Cha vào nhà vệ sinh một mình.
Vốn kín kẽ và sợ phiền, Cha tự vệ sinh lấy và có ý bảo con quay ra ngoài. Đến khi Cha gọi bảo xong rồi thì quay vào thấy quần ướt, tay vẫn còn dính những vết rõ vì giấy thì nhỏ, mà tay Cha thì run. Bảo Cha đứng im và lấy nước, giấy, lau lại bàn tay Cha. Cha đứng đó run run, bên cạnh thì mọi thứ cứ vung vấy tứ tung. Vừa lấy giấy nước lau cho Cha thì Cha nói khẽ nhưng run vì mệt chỉ đủ hai Cha con nghe:
-Cha làm khổ con nhiều quá…
Những năm về sau, gặp ở Toà giám mục hay ở nhà hưu, hay ở cả Tử Nê. Cha phải nhớ rất lâu mới ra con cháu nhà ai, nhưng câu đầu tiên gặp luôn là Cha vẫn nhớ ngày xưa con ở viện với Cha…
Trong vài ba câu chuyện Cha con. Có vài lần đùa vui nói con đi tu Cha đỡ đầu con nhé. Cha chỉ cười và bảo nhận nhưng chỉ sợ không sống được đến lúc con làm linh mục.
Tháng 5 vừa rồi, về thăm Cha, biết Cha bị bệnh có thể lây nhưng vẫn vào gặp và xin Cha dâng lễ cho Ông Nội, Cha nhất quyết không cầm, dấm dúi nhau mãi Cha mới đồng ý. Không quên đùa vui thêm Cha rằng con năm nay thừa 1 tuổi nên không đủ tiêu chí đi tu nữa rồi. Cha vẫn tươi cười nói:
-Được rồi. Cái này để Cha tác động với Cha giám đốc nhà Ứng sinh.
Hai Cha con nói thêm vài ba câu chuyện Đạo, đời. Thăm hỏi sức khoẻ, gia đình. Có bàn cả chuyện sắp tới 50 năm linh mục của Cha…
Nhưng cuối cùng, Cha ra đi trước ngưỡng cửa 50 năm linh mục…
Nhìn lại cả cuộc đời của Cha.
Dù gian khó vì bị quản chế nhiều năm.
Dù vất vả vì một mình Cha đã mười mấy năm coi sóc cả hạt Gia Lương với đến hai chục giáo họ khác nhau.
Dù cô độc vì những ngày cuối đời, Cha như Chúa Giê-su phải chịu phản bội, chịu sỉ nhục, vu oan từ chính những ngừoi, những nơi mình từng hết lòng cống hiến, đau đáu như tâm huyết cả một đời…Nhưng Cha vẫn luôn cười tươi, để đến giây phút này. Cha cũng mỉm cười vì một đời đã sống hết mình vì Chúa, vì Giáo hội…
Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới?
Chắc Cha chẳng mang gì về “bên kia thế giới”. Vì Cha đã gửi lại cả một cuộc đời 80 năm cho cuộc đời, cách riêng cho Tử Nê rồi…
Người ơi và tình ơi…
Cha ra đi lần cuối, không bao giờ gặp lại,
Hẹn Cha trên nước trời.
Share on Google Plus

Giáo Xứ Tử Nê

"Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (P1, 3-4).
    You Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét