Vậy là đã hơn mười năm tôi sống trên đất Hà Nội. Những ngày đầu chập chững khi còn là cậu sinh viên năm nhất thì cuộc sống có nhiều chật vật. Nhiều điều mới lạ khi một chàng trai mới lớn rời quê hương ra thủ đô học hành và bươn trải. Những mối tương quan mới trong một môi trường hoàn toàn xa lạ được bắt đầu và dần hòa nhập. Hà Nội lúc đó đối với tôi thật rộng lớn, không chỉ lớn với ba sáu phố phường hễ đi không cẩn thận thì lạc; Hà Nội còn lớn hơn với tôi vì cả nhịp sống lẫn con người. Nhiều lần bạn bè tôi hay nói đùa: “cậu có thấy một cái gì rất Hà Nội không?” Tôi chỉ nghe, cười và chút gì đó cảm nhận. Cũng gọi là Hà Nội thật đấy nhưng tôi chẳng biết họ nói cái gì “rất Hà Nội”. Không biết Hà Nội thực chất là thế nào? Không biết cái rất Hà Nội ấy có hiện diện trong tôi, trong bạn hay trong một ai đó hoàn toàn xa lạ? Tất cả những điều đó khiến cho tôi suy tư và muốn hiểu về Hà Nội nhiều hơn. Bởi “vô tri bất mộ”, tôi muốn quan sát Hà Nội nhiều hơn để có thể thêm yêu mến mảnh đất đã hơn một ngàn năm văn hiến mà vẫn đó đây những điều vừa đơn giản vừa lớn lao.
Khi nói về Hà Nội, ai trong chúng ta cũng thấy gợi lên hình ảnh Tháp Rùa đã đi vào lịch sử với câu truyện giáo khoa mà bất cứ đứa trẻ nào cũng biết đến khi còn học phổ thông; chúng ta cũng biết đến Khuê Văn Các nơi Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường học đầu tiên của dân Việt với những tấm “bảng vàng” và những cụ rùa bạc đầu vì những bàn tay sĩ tử; sẽ còn nhiều nữa những hình ảnh của ngôi Nhà Thờ Lớn, chùa Một Cột, nhà Hát Lớn và nhiều thắng cảnh khác nữa.
Nếu người Nhật sau trận động đất, sóng thần đã chẳng còn những công trình đại diện cho mảnh đất ấy thì hình ảnh đứa bé với cử chỉ tuyệt vời đã làm nên một nước Nhật đầy kỉ luật và yêu thương. Nếu Hà Nội mất đi những thắng cảnh đã đi cùng năm tháng ấy thì còn lại gì của người Hà Nội? Phải chăng những lần tranh nhau vào Công viên Nước hay những lời cãi vã nơi chợ chiều, chợ sớm? Phải chăng Hà Nội đã bị những người di dân làm mất đi cái “chất Hà Nội” của mình mà không thể biến họ thành người Hà Nội?
Đã lâu lắm không còn những bài hát bất hủ về Hà Nội được sáng tác. Có phải chăng Hà Nội nay đã không còn thơ mộng như thuở trước. Có phải chăng liễu không còn rủ bên mặt hồ hay hoa sữa đã quên không đưa hương nơi những con đường Hà Nội? Chắc không phải thế, Hà Nội vẫn còn đó nhưng dường như con người ta bận rộn hơn với nhịp sống ồn ào của nó:
Các em học sinh đã chẳng còn thời gian thả hồn nơi những khung cảnh thiên nhiên mà vùi đầu vào sách vở với những giờ học hết ban ngày đến ban tối.
Các bạn trẻ đã chẳng còn những thú vui tao nhã nhiều cho bằng bỏ hàng giờ trong những quán trò chơi điện tử hay những chiếc máy Ipad hiện đại.
Người lớn không còn nhiều thời gian trò chuyện nhưng mệt mỏi với chuyện áo cơm.
Người già cả cũng chẳng còn nhiều thời gian giao thiệp bạn bè vì những con đường tấp nập không cho phép họ đến gần nhau.
Người ta không còn dành nhiều thời gian cho nhau bởi cho dẫu ở bên cạnh thì những phương tiện hiện đại đã chiếm chỗ của người đối diện khiến cho họ khó có thể mở và chạm vào lòng nhau. Dù ở cạnh nhau nhưng khoảng cách giữa họ lại lớn như bằng cả một vòng trái đất.
Muốn hiểu hơn về Hà Nội nhưng tôi không biết cần bắt đầu từ đâu đây! Phải chăng là bắt đầu từ bảo tàng Hà Nội hay đến với khu phố cổ đông đúc người qua lại; đến với Hồ Gươm tấp nập hay Hồ Tây gợn sóng buổi chiều đông? Những nơi chốn đó làm nên Hà Nội hay con người mới làm nên một Hà Nội đầy sinh động?
Mùa đông năm nay chợt có nhiều thay đổi. Cái lạnh về muộn hơn và những đợt gió cũng không xé da thịt con người như mọi khi. Nhưng phố phường Hà Nội không có nhiều đổi thay. Những hàng quán vẫn thật nhiều nhưng số người đi ngủ mà bụng vẫn đói meo thì không ít. Những cửa hàng thời trang mọc thêm nhưng đó đây vẫn có những em bé co ro kéo xô tấm áo bên góc phố, ngoài xó chợ vẫn còn. Có lẽ để làm điều gì rất Hà Nội thì khó nhưng để làm điều gì rất người chắc sẽ dễ hơn. Con người hôm nay cần sẻ chia, cần sự quan tâm, đồng cảm, cần những bàn tay đỡ nâng và những bờ vai biết vỗ về. Có lẽ ngày nay chúng ta vẫn đồng ý với cụ Tố Hữu khi cho rằng:
“Còn gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”
Chắc hẳn đã đến lúc chúng ta phải sống để yêu nhau hơn là thù ghét, đã đến lúc con người trao ban và đón nhận từ nhau tình yêu và lòng quảng đại hơn là sự ích kỉ chỉ thu tích cho riêng mình. Có như thế, chúng ta mới làm nên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có như thế, chúng ta mới tạo nên một hình ảnh Hà Nội đầy mộng mơ mà cũng ăm ắp tình người.
Mục Đồng Nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét