ads slot

Tin bài đã đưa:

NHỮNG THÁCH ĐỐ VỚI NGƯỜI GIÁO LÝ VIÊN - HUYNH TRƯỞNG GIÁO PHẬN BẮC NINH HÔM NAY

Trong những năm qua, giáo phận chúng ta đánh dấu một bước tiến hoàn toàn mới mẻ trong các hoạt động tại các giáo xứ. Cùng với việc thăng tiến các hội đoàn truyền thống và việc thăng tiến hôn nhân gia đình đã giúp cho các giáo xứ ngày một ổn định và phát triển. Một lực lượng trẻ đã làm sôi động không khí giáo xứ thời gian qua đó là các em thiếu nhi. Có thể nói, thiếu nhi trong mấy năm gần đây đã nói lên tiếng nói của chính mình. Các hoạt động không chỉ dừng lại ở giáo họ hay giáo xứ nhưng còn được mở rộng trong giáo hạt hay cấp giáo phận. Việc lớn mạnh của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể trong toàn giáo phận và những hoạt động không chỉ dừng ở bề nổi của những phong trào rầm rộ, nhưng nơi các em thiếu nhi đã có những cách thức thể hiện đức tin rõ rệt và nền tảng giáo lý được củng cố. Có thể nói trong những năm qua, lực lượng giáo lý viên - huynh trưởng đã làm việc miệt mài trong một chương trình cụ thể và liên tục. Thế nhưng khi nhìn vào thực tế đời sống của anh chị em giáo lý viên - huynh trưởng, chúng ta dễ dàng nhận thấy họ đã và đang phải đối diện với nhiều thách đố, nhiều vấn đề mà chính họ phải đối diện trong việc phục vụ Tin mừng của Chúa. Vì thế, trong bài này tôi mời các bạn và tôi, chúng ta cùng nhau nhìn vào những thách đố ấy nơi anh chị em giáo lý viên - huynh trưởng như một nhịp đồng cảm, một nhịp đồng hành cùng các bạn trẻ và công cuộc gian nan trong việc giáo dục người trẻ Công giáo hôm nay.
Tôi xin phép được gọi cách chung các anh chị em giáo lý viên và huynh trưởng bằng một từ đại diện là giáo lý viên hay những người đồng hành giáo lý. Bởi có thể gọi bằng những từ ngữ chuyên môn, nhưng tôi thiết nghĩ người giáo lý viên hay huynh trưởng đi nữa thì cũng mang trong mình sứ vụ đồng hành cùng người khác để khơi lên và giúp cho họ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, đời sống đạo và cầu nguyện của mình.
* Nhận định chung về mục tiêu của việc dạy giáo lý: Trước hết, chúng ta cần nhận định lại về mục tiêu của việc dạy giáo lý là gì? Tôi thiết nghĩ dạy giáo lý trong từng giai đoạn của cuộc sống thì mục tiêu lại khác nhau. Tất nhiên, việc giảng dạy về đạo nói chung giống nhau là cùng nói về Chúa, nhưng sẽ khác nhau tùy theo từng đối tượng. Tôi tạm phân chia việc giảng dạy giáo lý thành các đối tượng như sau:
- Dạy giáo lý cho những người dự tòng lớn tuổi khi họ muốn kết hôn với người Công giáo hoặc họ muốn theo đạo do sự tìm hiểu hoặc những cảm nghiệm riêng tư.
- Việc dạy giáo lý hôn nhân cho các đôi chuẩn bị tiến tới hôn nhân hoặc các bạn trẻ lớn tuổi.
- Dạy giáo lý cho các em thiếu nhi tại các giáo xứ.
- Bồi dưỡng kiến thức giáo lý cho các hội đoàn, tùy theo từng giới.
Có thể có nhiều người đã từng dạy giáo lý cho cả bốn thành phần trên và họ cũng có những đánh giá theo các tiêu chuẩn riêng. Nhiều người cho rằng việc dạy giáo lý hôn nhân là khó nhất vì nó đụng chạm tới một lượng kiến thức lớn và chuyên môn, còn việc dạy giáo lý dễ nhất có lẽ là dự tòng, tại bởi người dự tòng không biết gì hoặc biết rất ít về đạo, thế nên người dạy có nói gì thì đối với họ cũng là điều mới mẻ. Nhưng tôi lại nghĩ khác đi, việc dạy đạo tất nhiên trong từng giai đoạn đều quan trọng và tùy theo từng mục tiêu mà người giảng viên phải nhắm đến cho người học viên của mình. Theo thiển nghĩ của cá nhân, tôi xác định theo từng đối tượng như sau:
- Khi dạy giáo lý cho các em thiếu nhi: chúng ta biết rằng các em đã lớn lên và được cưu mang trong một môi trường Công giáo, môi trường của đức tin và những cử hành phụng vụ thánh, thế nên người đồng hành giáo lý với các em cần dạy cho các em không phải là đức tin nhưng là cách thức để đi vào đời sống cầu nguyện, giúp cho các em ý thức về cầu nguyện và tập cầu nguyện. Bởi vậy, mục tiêu hướng về nơi các em là cầu nguyện hơn là một mớ kiến thức chất chồng với những tín điều hay những bài học cao siêu.
- Khi bồi dưỡng kiến thức giáo lý cho người trưởng thành trong các hội đoàn: Nói cách khác, đây là thời gian đào sâu và nâng cao, thế nên việc giảng dạy phải nhắm đến giúp cho các học viên kín múc được thêm lượng kiến thức tạm gọi là triết - thần liên quan đến những kiến thức nâng cao hơn là căn bản giúp họ đào sâu đứa tin và có đời sống cầu nguyện gắn kết hơn với Chúa. Có thể là tìm hiểu thêm về Thánh Kinh, về giáo lý, về một đề tài hay một chuyên môn cụ thể nào đó.
- Khi dạy giáo lý cho người chuẩn bị vào đời sống hôn nhân: Ta phải giả thiết các bạn đã học xong phần dự tòng. Nói cách khác, tạm hiểu các bạn đã hoặc đủ điều kiện để lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nói chung, các bạn đã hiểu biết về đạo, nên chúng ta cần giúp các bạn tiếp tục đào sâu về đời sống đức tin và cầu nguyện. Nhưng chủ đích nhắm tới với các bạn không là đức tin hay đời sống cầu nguyện cho bằng những phân biệt về luân lý: việc nên làm và phải làm trong đời sống và trong gia đình; việc cần tránh và không nên làm khi tiến tới một đời sống chung với người bạn đời và để tiến tới giáo dục con cái.
- Nhưng khi dạy giáo lý cho người dự tòng: Họ là những người lớn lên trong một môi trường khác lạ với chúng ta, các bạn là những người chưa có đức tin nên càng khó để nói với các bạn về đời sống cầu nguyện Ki-tô giáo, các bạn là người chưa có niềm tin thì càng không thể nói với các bạn về những kiến thức cao siêu. Thế nên việc cốt yếu của người đồng hành giáo lý với họ là giúp cho họ có một đức tin, một niềm tin vào chính Chúa. Thế nhưng chúng ta vẫn biết rằng đức tin là một ân ban hơn là do thủ đắc, tất nhiên người giảng viên không thể truyền đạt đức tin nhưng sẽ giúp cho học viên của mình qua việc đồng hành, qua những kiến thức, qua những bài học thực tế và cả những giây phút hiệp thông qua đời cầu nguyện của mình. Thế nên theo thiển ý của tôi, đây chính là đối tượng khó nhất khi đồng hành giáo lý. Bởi việc đồng hành khơi gợi một đức tin thì khó hơn việc nói về điều đúng sai trong luân lý cho người lớn tuổi, hay khơi mở những kiến thức đã có một nền tảng nơi người thụ huấn.
Bởi thế, tôi thiết nghĩ phải tùy từng đối tượng và tùy từng giai đoạn mà mục tiêu cũng như cách thức đồng hành giáo lý cũng khác nhau. Có thể vấn đề này cần có một chương trình cụ thể và đồng nhất để có được kết quả tốt nhất.
* Yếu tố hoàn cảnh: Chúng ta phải nói một cách chung nhất rằng: hoàn cảnh của anh chị em giáo lý viên - huynh trưởng rất đa dạng và nhiều chiều kích khác nhau.
Trước hết về lứa tuổi, anh chị em giáo lý viên - huynh trưởng trong giáo phận chúng ta có thể nói khá phong phú về lứa tuổi. Có nơi các em bắt đầu dạy giáo lý ở tuổi 13 nhưng cũng có nơi có những giáo lý viên nòng cốt lại là các thầy cô giáo tiểu học, trung học đã về hưu. Như thế, riêng nói về độ tuổi thì đã có một sự phong phú và cách biệt đáng kể. Ở mỗi lứa tuổi, người giáo lý viên đều phải đối diện với những khó khăn và thách đố riêng.
Với các anh chị đã có gia đình hay các cô, các bác đã lớn tuổi, cho dẫu đã nghỉ hưu nhưng họ vẫn phải đối diện với cuộc sống mưu sinh, với chuyện cơm áo gạo tiền. Nỗi băn khoăn chuyện áo cơm không rời xa họ. Họ vẫn phải tần tảo những công việc gia đình với con lợn, con gà, với công sở, với sông nước, với những ao cá, chuyến hàng. Bên cạnh đó, các anh chị em giáo lý viên vẫn phải chăm lo con cái của riêng mình, vẫn phải dạy dỗ, yêu thương, vẫn phải ban phát chính mình cho con cái như bao người bố, người mẹ khác. Thời gian và trí lực của họ vẫn được dành cho điều thiêng liêng Thiên Chúa tặng ban cho họ là gia đình. Thế nhưng, chính những điều tưởng chừng nhưng khó khăn ấy không thể cản bước tiến của lòng nhiệt tâm và sự hăng say. Gánh nặng gia đình cho dẫu mệt mỏi và vất vả nhưng đôi khi lại trở nên một nguồn động lực giúp họ nhiệt thành hơn trong việc giảng dạy của mình nơi các lớp học mỗi tuần. Bởi gia đình chính là môi trường giúp cho họ coi các em thiếu nhi trong giáo xứ như những người con, người em cần được bảo vệ, nuôi dưỡng về đức tin; các em trở thành người thân trong một gia đình đối với chính họ.
Với những anh chị em giáo lý viên trẻ tuổi, điều nổi trội nơi các bạn là sự hăng say, nhiệt tình cùng với việc dễ dàng tiếp thu những kỹ năng mới trong sinh hoạt. Nhưng đa phần các bạn đang ở độ tuổi đến trường. Phần đông ở các giáo xứ, các bạn học sinh cấp III là lực lượng giáo lý viên đông đúc nhất. Nhưng đây cũng là lứa tuổi các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa của tương lai. Các bạn phải dành nhiều thời gian cho học tập ở trường hơn để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Cùng với việc xuống cấp trong giáo dục, việc dạy thêm tràn lan và những xu hướng thời đại của người trẻ đã chiếm đi thật nhiều thời gian của người trẻ nói chung và của người giáo lý viên nói riêng. Các bạn bị chia đôi trong việc học tập và giảng dạy của mình. Đây quả là vấn đề khó khăn bởi ở nhiều nơi, việc đào tạo các bạn giáo lý viên diễn ra khá đều, nhưng khi các bạn hết thời trung học phổ thông, thì hoặc các bạn đi học xa tại các thành phố lớn, hoặc các bạn chuẩn bị cho tương lai qua các công việc và xây dựng gia đình. Điều này khiến cho nhiều nơi tạm thời mất đi một lượng nhân sự nhiệt thành trong giáo xứ và giáo họ trong việc giáo dục các em thiếu nhi, mà sau này phải mất một thời gian dài để các bạn có thể trở lại với việc giảng dạy của mình, hoặc đôi khi không thể vì những lý do cá nhân khác.
Một vấn đề có thể đặt ra là: việc đào tạo nhân lực hay những người tại giáo xứ có chuyên môn, đứng tuổi và có kinh nghiệm về đời sống gia đình để giảng dạy các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân. Bởi đa số các lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng được tổ chức vào các dịp hè, có thể đây là thời gian thuận tiện cho các bạn trẻ khi nghỉ hè, và cũng là thời gian thuận tiện có các thầy đại chủng sinh đi mục vụ mùa hè. Quả thực, các thầy đại chủng sinh có thể là thành phần lý tưởng để đứng các lớp học ấy, thế nhưng nếu có được những nhân lực tại chỗ thì có thể tránh được phần nào những khóa giáo lý quá ngắn ngày cho những đôi hôn nhân trong tình trạng buộc phải cưới theo lời khuyên của bác sĩ, hay sự thúc ép của gia đình hai bên.
* Yếu tố kiến thức: Đây cũng là một thách đố khá quan trọng mà người giáo lý viên - huynh trưởng đang phải đối diện. Chúng ta phải thừa nhận rằng, giáo phận chúng ta đã trải qua một thời gian khó khăn vì thiếu vắng mục tử, thiếu sự hướng dẫn cần thiết của Lời trong đời sống đạo. Có thể phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể được thành lập ở giáo phận khá sớm, thế nhưng sau biến cố lịch sử thì phong trào cũng bị suy tàn. Chỉ trong những năm gần đây, việc dạy giáo lý (cả cho các em thiếu nhi lẫn với những thành phần khác) mới được sống dậy tại các giáo xứ, giáo họ. Phải nhìn nhận rằng, đa số các anh chị giáo lý viên - huynh trưởng ngày nay đã lớn lên trong một thời gian thiếu sự đồng hành cần thiết ấy. Nếu các anh chị ấy có được một lượng kiến thức về giáo lý chẳng qua là do một truyền thống đã may mắn đọng lại nơi họ qua các hoạt động của giáo xứ, hay qua những trang sách họ tự lần mò được qua những thời gian rảnh. Bởi đó, có thể nói việc thiếu đi một nền tảng căn bản về giáo lý là không thể tránh khỏi. Ngoại trừ một số giáo xứ truyền thống và phát triển, đa phần các anh chị giáo lý viên đều phải hứng chịu lỗ hổng này. Vì thiếu đi kiến thức căn bản cần thiết ấy, nên khi lên lớp lại càng khó khăn để trình bày cho học viên của mình hiểu về bài học mà chính họ cũng đang lần bước tìm kiếm. Thế nên ở nhiều nơi việc giảng dạy về giáo lý được các bạn tự ý thay bằng việc thiên về dạy những trò chơi hay dạy về phong trào, bởi những kiến thức này được các bạn nắm bắt chắc chắn hơn những kiến thức về giáo lý hay Lời Chúa.
Bên cạnh đó, vấn đề về phương pháp sư phạm cũng là một vấn đề quan trọng. Bởi cho dẫu người đồng hành giáo lý có một lượng kiến thức bao la nhưng nếu không có phương thức thích hợp để truyền đạt cho người khác thì cũng thật vô nghĩa. Với nhiều người thì họ có thể lưu truyền kiến thức của mình qua việc viết sách, nhưng với người đồng hành giáo lý trong giáo phận chúng ta thì đó dường như là điều bất khả. Bởi vậy, việc thủ đắc cho mình những phương pháp sư phạm thật là cần thiết. Nhưng tiếc thay, giáo phận chúng ta lại chưa có được đội ngũ giáo lý viên có khả năng như thế. Tôi không có ý phê bình các anh chị giáo lý viên nhưng cần nhìn nhận đây là một thực tế (tuy có hơi buồn nhưng không phải là không thể khắc phục được). Phải thú nhận rằng không ai có thể tự cho mình những khả năng mà không qua rèn luyện, học hỏi. Cổ nhân có dạy rằng: “Nhân bất học, bất tri lý - Ngọc bất trác, bất thành khí”. Tôi không biết là chúng ta đã có những khoá học chuyên về phương pháp sư phạm hay chưa. Nhưng càng ít hơn nếu chúng ta nói về những người có khả năng để lên lớp hay giúp cho người đồng hành giáo lý có được khả năng ấy. Đa phần chúng ta đổ tại cho năng khiếu. Quả thực năng khiếu là quan trọng, nhưng nếu chỉ kiếm những người có năng khiếu thì thử hỏi chúng ta sẽ có bao nhiêu người? Nếu chỉ đòi hỏi những người khả năng thì liệu ai sẽ dám đứng lên ‘vỗ ngực xưng anh hùng’ trong vấn đề này? Tôi thiết nghĩ các phương pháp sư phạm này hoàn toàn có thể thủ đắc nhờ học hỏi và rèn luyện. Ở nhiều nơi tôi đã khuyến khích và đã thấy hiệu quả về hình thức thao giảng trường kì. Có nghĩa các bạn giáo lý viên - huynh trưởng tại các địa phương chủ động tạo thành lớp hàng tuần, mỗi người tự chọn hoặc được phân công một bài cụ thể để có thể lên lớp về bài giáo lý tuỳ theo, mà đối tượng giả thử là các em giáo lý trong khối mình đang phụ trách, trước mặt những anh chị em huynh trưởng khác. Rồi mọi người sẽ cùng nhau góp ý, cùng nhau giúp người thao giảng rút ra những kinh nghiệm quý báu về: hình thức sư phạm, về ngôn ngữ, thói quen, cử chỉ mà đôi khi chính họ không nhận ra. Vì cùng là người sẽ đồng hành giáo lý, thế nên họ sẽ dễ dàng nhận ra những thiếu thốn của bạn mình và bổ khuyết. Tất nhiên hình thức thực hành này xem ra mất nhiều thời gian và khó thực hiện vì tưởng chừng không có người chuyên môn để hướng dẫn. Nhưng thiết nghĩ các bạn giáo lý viên đều được học cách căn bản và đã có kinh nghiệm đứng lớp với các em thiếu nhi trước đó. Phương thức này chúng ta còn có thể nhân rộng hơn nếu trong giáo xứ có được những em thiếu nhi nhiệt thành, tuy nhỏ tuổi nhưng cũng có thể tạo thành những tổ đội mẫu để tạo cho các em một phong trào học hỏi. Có thể chia cho các em những đề tài về văn hoá hay giáo lý, về vấn đề xã hội hay một phương thức toán lý và mời gọi các em lên thuyết trình hay giảng giải cho các bạn đồng lứa tuổi hiểu hơn về vấn đề này. Điều này vừa giúp các em có tinh thần vừa tạo nơi các em một khả năng tự học, hơn thế nữa các em có thể tự trang bị cho mình khả năng sư phạm ngay từ nhỏ để có thể kế cận thế hệ anh chị trong việc đồng hành giáo lý sau này. Có thể ở nhiều nơi điều này là khó khăn, nhưng tôi nghĩ những nơi có điều kiện tổ chức tốt thì việc này có thể thực hiện được. 
* Những yếu tố khác: Ngoài những thách đố trên, người đồng hành giáo lý còn gặp nhiều những thách đố khác nữa. 
Trước tiên, người đồng hành giáo lý hôm nay cũng đang sống trong một thế giới, một môi trường dần bị tục hoá. Có thể nói chưa bao giờ các giá trị về đạo đức và chân lý lại thiếu hụt như ngày hôm nay. Tất nhiên, người tốt vẫn còn và người nhiệt huyết cũng không ít. Thế nhưng những vấn nạn và tệ nạn xã hội vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp đến cả người giảng dạy lẫn người thụ huấn. Thật khó để sống giữa thế giới mà mình lại không bị tiêm nhiễm những độc hại của nó, lại càng khó hơn để có thể giáo dục các mầm non tương lai của giáo hội trong khi chính chúng ta cũng đang bị đắm chìm trong nó. Có thể nào tách mình khỏi môi trường ta đang sống? Chắc sẽ là không. Hơn thế nữa thời gian cho việc đồng hành giáo lý thường thì rất hạn chế. Có nơi thì một tuần một buổi, có nơi thì một tuần hai buổi nhưng có nơi thì việc này lại khó khăn hơn, vì thiếu thốn nhân sự hay hoàn cảnh địa lý. Bởi vậy, việc bù đắp lại thời gian chênh lệch dường như quá lớn. 
Thứ đến, tuy chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển, nhưng việc những người đồng hành có được phương thức giảng dạy bằng những phương tiện hiện đại thì rất hạn chế hoặc không có. Tại bởi khả năng tài chính của các giáo xứ, hoặc cũng vì để chuẩn bị cho các bài lên lớp đúng nghĩa bằng trình chiếu slideshow hay những bộ phim, những bài học thực tế, ngoại khoá thường mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị và đòi hỏi lượng kiến thức tự nhiên, khoa học, giáo lý và cả kĩ năng hoạt động nhiều hơn. Chính vì thế mà việc giảng dạy của chúng ta còn bị hạn chế bởi cả hai bên: nhà tổ chức và người giảng viên.
Một điều không thể không nói tới là việc thiếu nhi hôm nay không thích việc học giáo lý khô khan, những bài học mang tính giáo điều mà đầy kỉ luật. Các em cũng thiếu đi sự tín cẩn cần thiết với người đồng hành giáo lý. Có lẽ do sự quen thuộc làng xã của những người đồng hành với các em nên đôi khi khiến các em cảm thấy nhàm chán, hay bình thường. Tôi nghĩ việc đổi mới trong những hình thức tổ chức lớp hay trong xứ đoàn cũng có thể tạo nên những thay đổi phần nào trong tâm lý của người học. 
Cuối cùng chúng ta phải nhìn vào một thực tế đáng lưu tâm. Người đồng hành giáo lý hôm nay, các bạn và tôi, chúng ta thiếu đi một đời sống thiêng liêng sâu xa và thiếu đi những thói quen tốt lành cần thiết. Tôi nhớ về một giáo xứ mà tôi đã có dịp đồng hành, khi tổng kết lại bản hoa thiêng của các anh chị huynh trưởng mà tôi thấy chợt buồn. Quá ít những lần đọc Thánh Kinh, rước lễ trong tuần, dâng ngày hay cả việc viếng Chúa mỗi ngày. Nếu người đồng hành mà quên đi đời sống thiêng liêng thì việc thông truyền đời sống ấy cho người khác sẽ ra sao? Liệu rằng chúng ta sẽ cho người khác cái gì nếu như đời sống thiêng liêng của chúng ta đang èo ọt, nghiêng ngả. Cá nhân tôi lại nghĩ đây chính là vấn đề cốt yếu của người đồng hành giáo lý. Bởi chưng, những người ngoại cũng có thể giảng dạy trong các trường đại học công giáo nhưng họ lại không thể thông truyền về đức tin hay đời sống cầu nguyện, mà ở đây chúng ta lại đang cần điều đó. Có lẽ đây chính là điều chúng ta phải củng cố trước hết và nhiều nhất. 
* Đề xuất một hướng đi: Để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn trong việc giảng dạy giáo lý, tôi thiển nghĩ chúng ta cần để ý tới những điểm quan trọng sau đây:
Trước tiên là gia đình. Các gia đình cần trở thành trường học đầu tiên về đức tin. Các bậc phụ huynh cần trở thành những giáo lý viên đầu tiên và quan trọng cho con cái mình. Khi đọc về truyền thống Do-Thái trong khi tưởng niệm lễ Vượt Qua, khi cả nhà quây quần quanh bàn tiệc và trước chén rượu cuối cùng, đứa trẻ nhỏ nhất trong gia đình sẽ đứng lên để hỏi rằng: “Tại sao đêm nay lại khác các đêm khác?” và người cha, người ông hay người chủ gia đình sẽ đứng lên và trả lời cho con trẻ về việc Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai-cập như thế nào, và về những điều kì diệu Thiên Chúa đã làm cho dân tộc của họ. Tôi thiết nghĩ ngày hôm nay, các bậc phụ huynh cũng cần sẵn sàng trả lời cho con trẻ về những thắc mắc, những vấn nạn về đời sống và về đức tin. Nếu làm được điều đó thì thật tuyệt vời, bởi việc dạy giáo lý là trách nhiệm của cha mẹ trước hết chứ không là riêng của những giảng viên giáo lý trong xứ họ. 
Kế đến, chúng ta cần có một chương trình đào tạo những người đồng hành giáo lý. Việc đào tạo này cần được làm các liên tục và hệ thống. Hiện nay, trong giáo phận chúng ta đã làm thật tốt điều quan trọng này nên tôi sẽ không bàn đến trong bài này.  
Điều tiếp theo chúng ta cần chú ý là việc chính người giáo lý viên huynh trưởng cần tự phúc âm hoá chính bản thân mình. Chúng ta vừa trải qua một năm tân phúc âm hoá các gia đình, năm nay chúng ta lại tiếp tục việc phúc âm hoá với môi trường giáo xứ và các cộng đoàn thánh hiến. Đây quả là một cơ hội thuận tiện để mỗi anh chị em giáo lý viên phúc âm hoá chính bản thân mình. Tôi thiết nghĩ việc phúc âm hoá phải được trải qua bốn bước cụ thể sau đây:
- Trước tiên với việc chuyên chăm đọc Lời của Chúa. Chúng ta phải đọc mới có thể biết Chúa nói gì trong Thánh Kinh cũng như nói gì với chính mình trong đời sống.
- Thứ đến là việc suy ngẫm Lời. Chúng ta cần tìm hiểu, đào sâu suy tư để hiểu nhiều hơn về Lời của Chúa, việc này có thể qua các lớp học nhưng cũng có thể qua việc suy niệm mỗi ngày.
- Kế đến là việc cảm nghiệm về Lời, nói cách khác là việc chúng ta để cho Lời Chúa chạm thấu con tim của mình khiến chúng ta yêu mến Lời.
- Cuối cùng là việc chúng ta thể hiện Lời của Chúa qua đời sống và lời giảng dạy của mình.
Nói cách khác việc phúc âm hoá đi qua bốn bước cụ thể nơi thân xác: mắt đọc, trí suy, tim (tâm) cảm và cuối cùng là hành động thiết thực. Bởi tôi nghĩ việc giảng dạy về giáo lý là gì nếu không phải là nói về Lời Chúa và những bài học rút ra từ Lời? Chính vì vậy, việc phúc âm hoá chính mình đóng một vai trò quan trọng để cho việc giảng dạy giáo lý đạt hiệu quả tốt nhất. 
Cuối cùng tôi muốn đề nghị về những thực hành cụ thể mà phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đã áp dụng trong toàn giáo phận. Tôi nghĩ những thực hành này không nên chỉ dừng lại ở các em thiếu nhi nhưng cần làm bắt đầu từ chính các anh chị em giáo lý viên – huynh trường. Có thể ở nhiều nơi việc thực hành viếng Chúa mỗi ngày đã được các em thiếu nhi làm thành một thực hành và là cách thế thể hiện đức tin kiên vững. Việc viếng Chúa mỗi ngày sẽ giúp các em có thói quen tốt trong việc cầu nguyện và đời sống thiêng liêng cá nhân. Ngoài ra, việc biên hoa thiêng mỗi ngày cũng giúp các em có thói quen xét mình, hồi tâm sau mỗi ngày sống. Ngày tôi còn nhỏ, việc biên sổ kho với mẫu “chịu-lần-xem-phận-mình-thương” là phổ biến, thì ngày nay, tôi thiết nghĩ mỗi xứ đoàn hay mỗi nơi có thể có những mẫu riêng, cụ thể và phù hợp với hoàn cảnh địa phương của mình. 
Chúng ta hãy cùng nhau giúp cho việc đồng hành giáo lý thăng tiến bằng những cố gắng và cộng tác của mình vào công cuộc lớn lao này. Có thể qua những câu chuyện thuở nào trong “Chúa nói với trẻ em” hay qua những bài tập tô cho em bé qua bức tranh “vui học kinh thánh”. Có thể qua một nhiệt tình và hy sinh giảng dạy, hay những lời cầu nguyện âm thầm của mỗi người. Chúng ta cùng nhau góp sức của mình làm nên một thế hệ trẻ mà ở đó, các bạn trẻ có thể tự hào mình là người Công giáo, tự hào về niềm tin Ki-tô và sẵn sàng đáp trả cho mọi người về niềm tin của mình. 

Mục Đồng Nguyễn
Share on Google Plus

Unknown

"Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (P1, 3-4).
    You Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét