Người
Kitô giáo khắp nơi dù ở bất cứ châu lục hay quốc gia nào trên thế giới, đều
biết đến và thực hành làm dấu thánh giá trong đời sống của mình. Người Kitô hữu
làm dấu khi vào nhà thờ, nhà nguyện, khi bắt đầu cầu nguyện, dùng bữa, khi họ
gặp phải những hoàn cảnh vui buồn éo le hay những khó khăn trong cuộc sống. Họ
cũng bắt đầu và kết thúc ngày sống của họ với dấu thánh giá trên cơ thể mình
với ước mong dâng toàn bộ ngày sống lên cho Đấng Tối Cao. Như vậy, ắt hẳn việc
làm dấu thánh giá đã in sâu trong cuộc đời của người tín hữu và ý nghĩa mang
lại mỗi khi làm dấu chắc phải đặc biệt và ẩn tàng một sức mạnh lớn lao.Từ người
già cả hay những em nhỏ, từ người trí thức hay những người nghèo khổ thất học,
việc làm dấu thánh giá vẫn đồng nhất và có chung một cung cách, không phân
biệt, không có sự khác biệt nhưng thể hiện cùng một sự thống nhất trong truyền
thống và ý hướng khi thể hiện một điều sâu xa là niềm tin; khi họ làm chung một
dấu chỉ ra bên ngoài như một hành vi xã hội của con người. Bởi vậy, chúng ta
cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của việc làm dấu này để thấy và hiểu hơn mỗi khi
chúng ta thực hiện việc làm dấu để tìm biết chúng ta muốn nói gì và tuyên xưng
điều gì.
*
Trước hết việc làm dấu là để tuyên xưng mình là người Kitô hữu hay là để nói
cho mọi người biết rằng tôi là người có niềm tin vào Đức Kitô - Con Thiên Chúa
làm người. Các vua chúa ngày xưa khi kết ước với nhau thường trao cho nhau
những dấu hiệu đặc biệt để nhận biết sứ giả mình gửi đến với vị bạn hữu của
mình. Thông thường họ bẻ đôi đồng tiền kẽm và mỗi bên giữ lại một nửa, để khi
nhận được phần còn lại, họ sẽ nhận biết dấu chỉ là đúng khi nó hợp với mảnh họ
đang giữ. Người Kitô hữu sơ khai không làm dấu thánh giá như chúng ta hiện nay,
thời kỳ các tông đồ rao giảng, mọi người đều tuyên xưng niềm tin cách công khai
bằng môi miệng và qua hành động yêu thương để nhận biết người môn đệ Chúa Kitô.
Thời kỳ Giáo hội bị bách hại, người Kitô hữu không thể tuyên xưng hay nói ra
bằng môi miệng để người đồng đạo biết; bởi vậy, họ bắt đầu nghĩ ra một dấu chỉ
để cho người khác biết về niềm tin của mình. Từ tên của Chúa Kitô: Kitô trong
tiếng Hy Lạp có nghĩa là con cá; bởi đó họ vẽ con cá để nhận biết và nói cho
nhau về niềm tin của mình. Sau thời gian bách hại đó, người Kitô giáo không vẽ
hình con cá nhưng là ghi dấu thánh giá để nhận biết mình là người Kitô. Bởi
vậy, việc làm dấu thánh giá trước tiên là để nói cho mọi người về niềm tin Kitô
của mình, để tuyên xưng về đạo, về chân lý mình đang tin theo.
* Việc
làm dấu luôn kèm theo một lời đọc thầm thĩ:
“Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Lời đọc và là lời tuyên xưng trọn vẹn vị
Thiên Chúa chúng ta đang tôn thờ được mạc khải qua Đức Giêsu Kitô. Khi làm dấu,
chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Thiên Chúa
Ba Ngôi là mầu nhiệm quan trọng trong đạo Công Giáo, chúng ta không thể nào
hiểu được mầu nhiệm cao trọng ấy có nghĩa là gì, nhưng qua việc tuyên xưng
Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta không chỉ nói ra ngoài miệng nhưng còn nói lên
niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Ba Ngôi không phải là con số 3=1+1+1 theo
một công thức toán học; bởi Thiên Chúa không phải là một đối tượng có thể tìm
hiểu hay khảo sát bằng những phương pháp khoa học dù thực nghiệm hay lý thuyết.
Thiên Chúa Ba Ngôi là một cộng đồng các ngôi vị của sự hiệp nhất, của trao đổi,
của yêu mến. Bởi yêu mến luôn đòi buộc đối tượng được yêu và đối tượng để trao
ban tình yêu thương. Vì không ai chỉ yêu chính mình tựa thứ tình yêu Nakxit
trong thần thoại Hy Lạp. Yêu đòi buộc có những đối tượng trao ban và đón nhận.
Thiên Chúa là tình yêu và Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thể hiện tình yêu trong cộng
đồng ngôi vị của chính mình. Làm dấu là tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có
ba ngôi hiệp nhất trong cộng đoàn các ngôi vị thống nhất và trọn vẹn. Khi tuyên
xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta nói lên một sự kỳ lạ trong chính lời tuyên
xưng ấy. Thiên Chúa là Thiên Chúa bởi đó, chúng ta không thể thông dự vào bản
tính Thiên Chúa của Ngài mà chỉ trong vai trò của người được chiêm ngắm và tôn
thờ Thiên Chúa mà thôi. Nhưng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, bởi đó con
người được mời gọi vào trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha và chúng ta
là con; không được thông dự vào bản tính Thiên Chúa nhưng con người được mời
gọi vào trong sự hiệp nhất của chính Thiên Chúa và sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong
cuộc sống của mình.
* Bên
cạnh việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc làm dấu, việc làm dấu còn
nhắc nhở cho ta về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta. Đôi
khi chúng ta quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống vì những lo
toan, vất vả; chúng ta làm dấu thánh giá tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, Con và
Thánh Thần để ý thức rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Chúng ta không bước
đi một mình trong cuộc đời nhưng chúng ta luôn có Chúa cùng đồng hành, nâng đỡ
và ủi an. Bởi dù khi vui, chúng ta làm dấu thánh giá để tạ ơn Thiên Chúa đã ban
cho chúng ta sự thành công và những niềm vui ấy; khi cô đơn, thất vọng chúng ta
làm dấu thánh giá xin Thiên Chúa ngự đến để thêm sức cho ta vượt qua những khó
khăn khốn khó. Cuộc sống luôn có những biến động, bởi đó trước những biến cố
chúng ta làm dấu để xin Thiên Chúa ngự đến đồng hành cùng chúng ta. Chúng ta
luôn tin vào một Thiên Chúa quan phòng ở cùng chúng ta trong mọi hoàn cảnh sống
của mình. Hằng ngày người Công Giáo làm dấu trước bữa ăn để tạ ơn Thiên Chúa vì
những lương thực Thiên Chúa đã ban cho ta để nuôi sống mình, nhưng hơn thế nữa
việc làm dấu cũng kèm theo lời cầu xin cho chúng ta biết sử dụng những thực
phẩm ấy để sinh ích cho đời sống của ta và giúp người khác thăng tiến trong
chính đời sống của họ nữa. Như vậy, làm dấu không chỉ mang chiều kích quá khứ
khi tạ ơn Chúa vì những ân ban đã nhận được, nhưng còn là hướng tới tương lai
khi xin Thiên Chúa giúp ta sử dụng những ơn lành đó cho nên để có thể sinh ích
cho ta và cho người khác. Tin vào Thiên Chúa quan phòng là tin vào sự hiện diện
của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta; mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta
tin vào sự hiện diện của Chúa đồng thời cũng là cử chỉ mở cửa tâm hồn để mời
Thiên Chúa đến ngự trị trong nơi thẳm sâu của con người chúng ta; để Thiên Chúa
ở cùng, hiện diện, nâng đỡ ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình. Thiên Chúa
vô hình và chúng ta chỉ đến gần Ngài bằng đức tin sâu xa mà thôi, bởi đó khi
làm dấu thánh giá chúng ta ý thức Thiên Chúa trong xã hội, trong cuộc sống,
trong cuộc đời chúng ta; nhưng trên hết chúng ta cần biết đến việc ý thức rằng
Chúa đang hiện diện nơi mọi người chung quanh chúng ta, nơi người đối diện và
người anh chị em của chúng ta. Thiên Chúa hiện diện nơi họ và Ngài gửi những
người khác đến với chúng ta để sống, để chúng ta giúp đỡ họ, để chúng ta chịu
đựng họ và giúp nhau hoàn thiện chính con người mình.
* Việc
làm dấu thánh giá còn giúp chúng ta thánh hóa bản thân của chính chúng ta nữa.
Khi làm dấu, chúng ta vẽ lên thân thể của mình và những người mình thương mến
một cây thánh giá. Khi làm phép một đồ vật gì đó như một á bí tích trong Hội
Thánh, vị linh mục làm dấu thánh giá trên đồ vật đó để thánh hóa đồ vật trở nên
tốt lành, thánh thiện. Mỗi khi chúng ta làm dấu, chúng ta cũng khắc họa cây
thánh giá trên thân thể để thánh hóa chính bản thân mình và người thân yêu cho
Chúa và chỉ Chúa mà thôi. Việc làm dấu giúp ta ý thức về đời sống của ta đã
được thánh hóa cho Chúa, giúp ta lướt thắng những cám dỗ của ác thần mà ta phải
đối mặt. Khi làm dấu, ta được tháp nhập vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, được
cùng Ngài vác thánh giá cuộc đời đi theo Chúa lên đồi Canve để được cùng đóng
đinh những ước muốn, những đam mê và tất cả những khát vọng vào thánh giá;
chúng ta xin Chúa thánh hóa để tất cả được thuộc trọn về Chúa. Cuộc đời con
người luôn phải đối diện với những cám dỗ của ác thần, chúng ta không cầu xin
để những cám dỗ không đến với chúng ta, nhưng chúng ta cầu nguyện để chúng ta
không bị sa chước cám dỗ của tà thần. Bởi đó, việc làm dấu giúp thánh hóa con
người chúng ta giúp ta mở tâm hồn mình đón Thiên Chúa ngự vào và thêm sức cho
ta vượt qua cám dỗ. Thánh hóa là để thuộc trọn về Chúa và đây chính là tác vụ
của chúng ta trong vai trò tư tế cộng đồng của mình; chúng ta thánh hóa chính
mình và người thân yêu để cho Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta.
* Hình cây thập tự được khắc họa khi làm dấu
gợi nhớ chúng ta tới cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên thánh giá và đưa ta đến
với cái chết đau thương của Ngài. Việc làm dấu không ngẫu nhiên là hình thánh
giá nhưng là tháp nhập chúng ta vào chính cuộc khổ nạn của Chúa Kitô khi chúng
ta dám đến với Ngài trong mầu nhiệm của khổ nạn. Nói một cách rõ ràng hơn,
chúng ta làm dấu thánh giá chính là việc chúng ta nói tiếng đồng ý với con
đường thập giá của Đức Giêsu đã trải qua, để cùng Ngài chúng ta vác thập giá
hằng ngày đi theo Ngài trong cuộc sống. Ngày hôm nay, thập giá cuộc sống được
nhìn như những việc bổn phận hằng ngày và những khó khăn trong cuộc sống; chúng
ta tháp nhập mình vào cuộc khổ nạn chính là việc chúng ta vác thập giá mình qua
những gian khó của mình trong cuộc sống mà mang theo Chúa. Thập giá phải được
thánh hóa để trở thành thánh giá như Đức Giêsu đã làm. Việc làm dấu thánh giá
vì thế luôn nhắc ta về một thực tại của Kitô giáo là Đức Giêsu chịu chết nhưng
hơn nữa là hướng về sự phục sinh của Ngài.
* Khi
làm dấu thánh giá, chúng ta đọc lên “nhân danh”, chúng ta không nhân danh chính
mình hay nhân danh một ai đó có quyền lực hay tiền bạc trong xã hội hôm nay.
Chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để sống giữa đời sống mà Thiên Chúa sai
phái ta đến. Mỗi khi bắt đầu giờ học, giờ cầu nguyện, giờ làm việc hay bắt đầu
một sứ vụ nào đó, chúng ta làm dấu thánh giá để thánh hóa chính công việc chúng
ta sắp làm; đồng thời nhân danh Thiên Chúa để làm những công việc đó cho chính
Chúa. Ý thức được việc đó, mỗi khi chúng ta làm việc, chúng ta làm nhân danh
Chúa nên phải làm cho danh Chúa được vinh quang, để chúng ta không làm việc đó
với những ý hướng xấu xa như vụ lợi, tìm khoái lạc hay lọc lừa. Đồng thời chúng
ta cũng sẽ biết rằng mọi công việc cần phải được dâng lên Thiên Chúa để được
Ngài cùng đồng hành, chỉ có Chúa mới có thể thánh hóa công việc của ta và chỉ
khi ý thức làm việc nhân danh Chúa, chúng ta mới làm việc đó với tất cả lòng
yêu mến, với tất cả khả năng Thiên Chúa ban cho ta để thăng tiến bản thân và
hoàn thiện con người mình. Tôi không thể nhân danh Thiên Chúa để rồi lại làm
việc vì danh của chính mình, tôi lại càng không thể thánh hóa công việc để rồi
nhận thấy bản chất công việc tự nó là xấu xa hay phạm pháp. Việc làm dấu trước
mỗi công việc là để chúng ta biết làm chính những công việc Chúa đã làm.
* Điều
cuối cùng chúng ta chú ý trong việc làm dấu thánh giá là vị trí của từng chỗ
đặt tay trên cơ thể của chúng ta. “Con đặt tay lên trán tuyên xưng Chúa Cha
toàn năng, con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu, đưa tay sang
trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiêng hồng phúc đời con”.
Như vậy, khi làm dấu chúng ta đặt tay trên trán, trên ngực và hai vai từ trái
sang phải. Mỗi lúc đặt tay là một lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa; khi đặt
tay lên trán, chúng ta thầm thĩ cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha: “Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa suy nghĩ và
mọi ý tưởng đang hướng dẫn suy tư của con. Xin Chúa thánh hóa những suy nghĩ ấy
để con chỉ suy nghĩ những điều đẹp lòng Chúa và chỉ suy tưởng để được biết Chúa
nhiều hơn; và khi đã biết xin cho con sẵn sàng nói về Chúa cho mọi người chung
quanh”. Khi đưa tay xuống ngực, chúng ta cũng cầu nguyện cùng Đức Giêsu: “Lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa con tim là
biểu tượng cho tình yêu và sự sống của con. Xin Chúa làm chủ mọi ước muốn của
con và thánh hóa tình yêu của con thuộc về Chúa, đừng để con làm nhơ uế con tim
vì tiền bạc, khoái lạc hay những thú vui chóng qua, nhưng xin thanh lọc con tim
ấy để con biết yêu Chúa chân thành và yêu mọi người như chính Chúa vậy. Cuộc
sống của con cũng xin dâng về Chúa để mọi việc con làm chỉ vì danh Chúa mà
thôi”. Khi chúng ta đặt tay lên hai vai, chúng ta cũng cầu nguyện với Chúa
Thánh Thần: “Lạy Chúa, con đã dâng lên
Chúa suy nghĩ và con tim là tình yêu và sự sống của con, con cũng xin dâng lên
Chúa đôi vai là những gánh nặng của cuộc đời con mang vác. Xin Chúa đến cùng
con và ghé đôi vai của Ngài để cùng con mang vác; bởi có Ngài, mọi gánh nặng
cuộc đời của con sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn và con sẽ thấy Ngài luôn ở bên con
trong mọi trạng huống của cuộc đời mình. Amen”. Chúng ta thưa lên: “Amen” để nói lên niềm tin và xác tín
của mình trong lời cầu nguyện. Chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban và đáp
trả mọi lời cầu xin của chúng ta.
Việc
làm dấu thánh giá không phải là một công thức hay một nghi lễ vô ý nghĩa, nhưng
làm dấu chính là việc cầu nguyện nhanh nhất nhưng lại mang ý nghĩa sâu xa nhất.
Chúng ta tuyên xưng niềm tin ngay trong cử chỉ đơn giản này. Làm dấu là dấu
hiệu của niềm tin Công Giáo, đồng thời cũng là cách thức thánh hóa chính con
người mình. Khi ý thức được điều đó, chúng ta được mời gọi làm dấu thánh giá
cách chân thành và xác tín. Bởi đôi khi chúng ta làm dấu chỉ ấy cách qua loa và
bất xứng. Bởi vậy, chúng ta hãy làm dấu trong tâm tình cầu nguyện để bắt đầu
ngày mới hay bất cứ hoạt động sống nào của chúng ta, để chúng ta cầu xin và mời
gọi Thiên Chúa đến đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống nhiều cạm bẫy và khó
khăn này.
Mục Đồng Nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét