ads slot

Tin bài đã đưa:

Tháng Hoa Dâng Kính Mẹ

Tháng Hoa Dâng Kính Mẹ
Dĩ Vãng và Hiện Tại
Nguồn: Mi An

1. Nguồn gốc của tháng hoa
Tháng năm về con dâng lên Mẹ, Ngàn hoa khoa sắc ướt sương chiều rơi. Chắp tay quì dâng kính mỹ lệ, hòa cùng muôn khúc thánh ca tuyệt vời.
Ta không biết lời bài hát “Sắc Hoa Dâng Mẹ” từ khi nào đã thấm đẫm trong tâm hồn của biết bao người tín hữu mỗi khi tháng năm về. Tháng năm, tháng dành riêng dâng kính Đức Nữ Trinh Maria, tháng được gọi là Tháng Hoa, tháng của muôn triệu con tim muốn dành tặng cho người Nữ Trinh những đóa hoa thắm tươi nhất của sự khiêm nhường, lòng thánh thiện, đức bác ái, sự hy sinh và lòng mến yêu đơn sơ. Mẹ tuyệt diệu, và là Đấng chở che, bảo bọc giáo hội trên bước đường lữ thứ trần thế.
Thánh Bênađô đã nói rằng: "Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ". Và Ngài còn giải thích thêm rằng: “Nói về Đức Nữ Trinh Maria thì không bao giờ đủ”. Thật vậy những gì con người dành để nói đến Đức Nữ Trinh thì sẽ không bao giờ là đủ; tuy thế, nhân loại vẫn cố gắng dành hết sức có thể để tán tụng Người như sứ thần đã nói “Bà được diễm phúc hơn mọi người nữ”, và tháng Hoa dâng kính Mẹ là một việc làm như thế. Cho nên, trong thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa” của Đức Thánh Cha Piô XII, Ngài đã nói: "Việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".
Tiếp nối những truyền thống đó đến thời Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: "Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới thể hiện đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, tại nơi thánh đường cũng như từng tư gia, đều hiệp nhất dâng lên Mẹ tất cả tấm lòng với những lời nguyện cầu và lòng tôn kính sốt sắng, mến yêu Mẹ cách đặc biệt. Cũng trong tháng này, những ơn phúc từ Thiên Chúa nhân ái cũng tuôn đổ tràn đầy trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ."
Thực ra nguồn gốc khởi đầu của Tháng Hoa lại bắt đầu từ việc các tín hữu tiên khởi đã thánh hóa và chuyển hóa từ ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân của nền văn minh La mã cổ xưa. Người Rô ma thường tôn kính sự thức giấc của mùa Xuân sau những ngày dài lạnh lẽo của mùa Đông giá băng. Họ thường tổ chức lễ hội này để tôn kính Hoa là Nữ thần của mùa Xuân khi mỗi độ tháng năm về. Bắt nguồn từ nghi lễ có tính nhân văn đó, các tín hữu Công giáo thời kì đầu đã tiếp tục nghi lễ đó bằng các cuộc rước kiệu hoa lộng lẫy nhưng mang mặc cho các nghi lễ này một màu sắc đức tin bằng việc cầu nguyện với Thiên Chúa và tôn kính Đức Nữ Trinh diễm phúc, cầu mong cho một mùa màng bội thu và may mắn.
Có nơi dùng hoa, có nơi lại dùng chính những cây cỏ xanh tươi hoa nở, mang sức sống mãnh liệt của mùa Xuân để trang hoàng trong các thánh đường và đặc biệt là các bàn thờ dâng kính Đức Maria. Từ việc đạo đức này lại là niềm khơi hứng cho các sáng tác của các thi sĩ, cũng như các bài giảng của các vị giảng thuyết lừng danh nhằm ca tụng Thiên Chúa cũng như Đức Mẹ trong dịp đặc biệt này.
Cứ thế, trải suốt triều dài lịch sử Giáo hội, các việc tôn kính được dâng lên và qui hướng về Thiên Chúa và Đức Nữ Trinh trong dịp này. Sang thế kỷ 14, cha Henri Suzu, tu sĩ dòng Đa minh, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và trang hoàng lộng lẫy cho mỗi tòa Đức Mẹ vào đầu mỗi tháng năm. Vào ngày một tháng năm hằng năm, thánh Philipe Neri đã dâng cho Đức Mẹ các bông hoa mùa xuân, và các tâm hồn thơ thảo của các trẻ nhỏ khi ngài tụ tập các em lại trước tòa Mẹ. Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, miền nam nước Ý, các nữ tu Dòng trong thánh Phanxicô lần đầu tiên tháng hoa dâng kính Đức Nữ Trinh được tổ chức công cộng tại thánh đường dâng kính thánh Clara. Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.
Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời. Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã đóng góp nhiều hi sinh, không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến tại nước Pháp mà còn lan tỏa sang các nước Công giáo khác nữa và tháng hoa đã trở thành truyền thống dâng kính Đức Nữ Trinh cho tới ngày nay.
Có rất nhiều loài hoa với các hương sắc khác nhau, tuy nhiên trong truyền thống dâng hoa vào tháng năm kính Đức Nữ Trinh, người công giáo thường dâng lên Mẹ năm sắc hoa, mỗi sắc hoa lại tượng trưng cho một ý nghĩa dành riêng cho Đức Mẹ.
Sắc hoa trắng là biểu hiện của sự trong sạch nơi tâm hồn Mẹ.
Sắc hoa tím là biểu hiện của sự vâng phục thánh ý Chúa nơi Mẹ.
Sắc hoa vàng là biểu hiện của đức mến vẹn toàn của Mẹ.
Sắc hoa xanh chỉ sự trọn lành thánh thiện của Mẹ
Và cuối cùng, sắc hoa đỏ chỉ sự hy sinh hãm mình của Mẹ
Như vậy, các loài hoa sẽ tập trung thành năm sắc màu chính để tạo nên một bầu khí vui tươi, mát mẻ, hầu có thể truyển tải hết những nhân đức của Đức Mẹ. Khi dâng hoa, người ta thường dùng những bài ca, được minh họa bằng những điệu múa, những cử chỉ bên ngoài để diễn tả tâm tình bên trong mà những người con muốn dâng lên Đức Nữ Trinh dấu ái.
2. Tháng Hoa của Dĩ Vãng
Có lẽ rằng trong mỗi con người chúng ta mỗi khi bồi hồi nhớ về tháng hoa của quá khứ, tháng hoa của những thập niên về trước ắt hẳn chứa đựng một cảm giác rất khác. Một cảm giác của vui tươi, của hạnh phúc, của cảm thông trong nỗi vất vả truân chuyên thời cuộc, và của một sự tiếc nuối cho những gì đã qua, những gì mà ta không thể tìm thấy trong hiện tại.
Có lẽ trong tâm khảm của nhiều người, thì hình ảnh của những cuộc rước kiệu dâng kính Đức Mẹ mỗi tháng năm về như vừa diễn ra ngày hôm qua. Có thể nói tháng năm là tháng với nhiều niềm vui và thuận lợi của tiết trời trong lành, cỏ cây tươi đẹp, bởi đây là thời kì chuyển giao giữa mùa xuân với những cơn mưa rả rích và không khí ẩm ướt không phải lúc nào cũng dễ chịu, mặt khác cũng chưa vào thời kì của sự khô ráo dưới cái nắng chói chang luôn gây cảm giác nóng nực của mùa hè; thế nên tháng năm với không khí khô ráo nhưng lại mát mẻ và hoa cỏ vẫn còn tươi nở, và đặc biệt là các cánh đồng bất tận đang thời kì trổ bông thơm lừng hương lúa.
Trong điều kiện thuận lợi đó, các tín hữu đón tháng Hoa kính Mẹ không gì có thể vui hơn. Có lẽ với nhiều người thì tháng hoa là tháng vui nhất của năm, họ không còn bận rộn của những ngày mùa, cũng chẳng phải chịu khí hậu bất lợi, và quan trọng là các cuộc rước kiệu, dâng hoa rộn ràng mỗi buổi chiều thứ bảy của tháng năm. Thường thì các giáo xứ, giáo họ, được chia làm các Khu xóm tương đương với các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Và mỗi Khu chịu trách nhiệm tổ chức chính một ngày thứ bảy trong tháng Hoa.
Vào ngày này, các Khu đều cố gắng làm kiệu hoa Mẹ cho thật đẹp. Kiệu hoa sẽ được các giáo dân cùng chung sức làm, kết từ những đóa hoa tươi của các nhà giáo dân trong khu, và cả mua ở ngoài chợ đều được trưng dụng cho việc trang hoàng kiệu hoa. Thánh tượng Mẹ được đặt ngay giữa kiệu có nến sáng và ánh đèn nhấp nháy, bao bọc chung quanh là các bông hoa với năm sắc tươi thắm. Mỗi khu đều có đội dâng hoa riêng, đội dâng hoa thường là các nam thanh thiếu nữ còn trẻ. Tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều tháng năm, mấy đứa chúng tôi thường chạy ra ngoài cánh đồng nơi có những bông hoa màu vàng đang khoe sắc nơi các dải bờ bên những bông lúa thơm hương đang trổ đòng, để bứt về cho chị gái làm đĩa hoa dâng Mẹ. Chiều thứ bảy, mọi người đều khăn áo chỉnh tề trong các hội đoàn, tập trung tại sân của nhà ông trùm Khu xóm. Kiệu Mẹ được đặt trang trọng vây quanh là mọi người đang chuẩn bị cho buổi rước kiệu từ trung tâm Khu xóm ra nhà thờ.
Ngày đó điều kiện còn thiếu thốn chứ không như bây giờ. Mặc dù đường điện đã có, nhưng việc kéo dây thắp các bóng cao áp nơi các con đường hoặc chung quanh nhà thờ vẫn còn là điều trong mơ, vì thế chúng tôi thường xử dụng bình ắc qui cho việc thắp sáng kiệu, và đèn măng - xông cho việc sáng đường để đoàn kiệu đi rước. Đèn măng - xông được thắp sáng bằng việc đốt cháy các túi sáng đặc biệt bằng dầu, những người đàn ông sẽ tiến hành bơm dầu và khí ô xy để duy trì việc cháy sáng của đèn.
Ngay từ 4h chiều, tiếng ca lảnh lót của một tượng đài trong thánh nhạc Việt là ca sĩ Hoàng Oanh đã cất lên tại khuôn viên thánh đường. Những bài hát về Mẹ được vang lên, dưới sức truyền thanh của hệ thống loa lén Liên xô, tuy chất lượng âm thanh không chuẩn như bây giờ, nhưng bù lại âm thanh lại vang rất xa. Khoảng 6h thì đoàn kiệu khởi hành theo thứ tự hội đoàn, cuối cùng là Đoàn dâng hoa và kiệu tiến về nhà thờ; xen lẫn những lời kinh cầu là tiếng hát của mọi người hiệp cùng hội Dâng hoa để ca tụng mẹ, tiếng hát đơn sơ và có phần lạc cung điệu của giáo dân miền quê, nhưng nó lại có sức đánh động lòng con người hướng về trời cao, tiếng hát lời kinh đó đã thấm vào lòng tôi cũng như của biết bao con người khác. Không hiểu sao tôi vẫn thèm cái cảm giác được nghe lại những câu ca, lời hát tuy không đúng nhịp điệu, trường độ, nhưng nó lại phát ra từ muôn tấc lòng đơn sơ chân thành, ca tụng Mẹ bằng chính con tim và cuộc đời của họ hơn hẳn những lời ca của các ca sĩ ngày nay hát thánh nhạc, tuy đúng bài bản nhưng lại thiếu phần quan trọng nhất là tâm tình trong đó.
Hoà với lời ca tiếng hát là sự đan xen của tiếng trống, tiếng trắc và của kèn tây trổi lên mỗi khi tới lượt. Tất cả như thôi thúc lòng mỗi con người hướng về Mẹ hiền dấu yêu. Khi đoàn kiệu tiến về thánh đường thì tiếng chuông trầm hùng cất lên đón đoàn kiệu từ các Khu xóm về, các đoàn kiệu tập trung tại sân nhà thờ và bắt đầu cho cuộc cung nghinh vòng quanh thánh đường lớn hơn, đặc biệt hơn của tất cả giáo dân từ các khu xóm nơi xứ đạo. Nhà thờ chỗ tôi tuy không rộng, nhưng khung cảnh bao quanh lại rất rộng, và một ao hồ rộng lớn trước nhà thờ. Tiếng ông trùm cất lên trong lời cầu dâng lên Đức Mẹ khai mạc cuộc cung nghinh, đoàn kiệu tiến đi theo thứ tự đã được sắp sẵn, lời kinh, câu hát lúc này tập trung đông hơn, to hơn, và tâm tình cũng dạt dào hơn. Các cây pháo hoa được bắn lên chung quanh ao hồ, các hội đoàn nối đuôi nhau theo sau là các kiệu hoa Đức Mẹ, tiếng trống, tiếng trắc, tiếng kèn tây, tiếng hát, lời kinh cầu…tạo nên một khung cảnh thật ấn tượng, vừa tạo nên sự hoành tráng nơi trần thế, vừa hướng người ta về trời cao.
Các nhà truyền giáo ngoài sự đạo đức, sức mạnh dấn thân, họ còn là các nhà tâm lý giáo dục tuyệt vời. Với đặc trưng của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, thường chuộng các lễ nghi hình thức bề ngoài, để từ đó sẽ đánh động và đi vào tâm khảm, khác một chút so với tâm lý của Phương Tây. Văn hóa Á Đông mang đặc trưng tế nhị, hào nhoáng, lễ nghĩa…Nắm được tâm lý này, nên các nghi thức tôn giáo khi được truyền vào Việt Nam thường làm cho hoành tráng hơn, lọng trọng hơn, và có tính nghi thức cao hơn, để từ đó sẽ đánh động tâm thức con người ta hướng lòng về Chúa dễ hơn. Đoàn kiệu tiến vào bên trong nhà thờ cũng là lúc bài hát Mẹ là Ngôi sao chỉ đường cất lên. Vì không có linh mục, nên mọi người cùng quây quần lại đọc kinh, các đội dâng hoa thay nhau lên dâng hoa kính mẹ, cuối cùng là lời kinh cám ơn. Mọi người ra về trong tâm trạng vừa tươi vui, vừa lắng đọng vì đã làm một việc tốt lành dâng kính Mẹ.
Vâng truyền thống tốt đẹp của quê tôi trong tháng hoa đã theo tôi trong những giấc mơ và hồi ức mỗi khi tháng năm về. Một việc làm thật ý nghĩa lại diễn ra trong một thời buổi mà cuộc sống còn cơ cực, người giáo dân sẵn sàng trích phần ăn vốn chưa phải là no đủ để mua hoa nến cho cuộc rước kiệu. Và sẵn sàng trích phần tiền ít ỏi của mình góp vào đưa cho chính quyền để họ đồng ý cho các cuộc rước kiệu.
Dẫu rằng miếng ăn còn bữa đói bữa no, nhưng người giáo dân sẵn sàng dành riêng buổi chiều thứ bảy nghỉ làm để chuẩn bị buổi cung nghinh Đức Mẹ. Lòng mỗi con người khi đó sao lại sẵn sàng, lại sốt sắng, lại hồ hởi, lại phấn phởi để làm những việc dâng kính Mẹ đến thế. Tuy đời sống vật chất khó khăn, nhưng tinh thần sống đạo lại rất phong phú và đa dạng, con người chân chất đơn thành với các việc dâng kính Đức Mẹ. Thế hệ chúng tôi, cũng như biết bao con người khác đã lớn lên trong bầu khí đạo đức này, để rồi từ đây ươm mầm cho các ơn gọi trong giáo hội hôm nay.
3. Tháng Hoa của Hiện Tại
Tháng năm – tháng Hoa dâng kính Mẹ lại về với mỗi người chúng ta. Đó là một qui luật định biến theo dòng thời gian. Ngày nay xã hội phát triển, cuộc sống tinh thần lẫn vật chất được chuyển biến theo một khía cạnh nào đó đầy đủ hơn. Các thánh đường nhỏ bé ở quê tôi cũng như các vùng quê khác đã dần lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho các thánh đường nguy nga hoàng tráng hơn. Các linh mục cũng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu của các giáo xứ đầy đủ hơn. Người dân cũng không phải đóng tiền để đút lót chính quyền cho các buổi rước kiệu nữa. Có thể nói, các điều kiện mà ngày xưa còn không dám mơ thì nay lại thành hiện thực. Giáo đường khang trang, đèn đường đầy đủ, kinh tế con người không phải chật vật với bữa đói bữa no, chính quyền rộng rãi, nhưng sao tháng Hoa lại không còn dấu ấn của sự đơn thành chân chất nhiều như xưa nữa.
Tôi dừng chân trước thánh đường vào một thứ bảy đầu của tháng năm, đứng đó dõi ánh mắt xa xăm ra cánh đồng lúa bát ngát cạnh giáo đường, những mong tìm lại được tâm tình sốt sắng năm nào. Xa xa như có tiếng ồn ào của những giáo dân đang làm kiệu, xa xa như thấp thoáng bóng dáng những đứa trẻ đang hái những bông hoa đồng nội về cho chị nó để cắm đĩa hoa, tiếng những thanh niên đang bơm bình đèn măng – xông, tiếng các bà đạo đức đang í ố cắt những bông hoa từ các khu vườn của giáo dân, tiếng thánh nhạc thánh thót dưới tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh… tôi đang thầm mỉm cười thì một tiếng vỗ vai làm tôi giật mình. Thì ra tôi đang mơ mộng và tiếng vỗ vai của người coi nhà thờ đã thức tỉnh tôi về hiện tại.
Ngày nay, không còn những cuộc rước kiệu hoa nữa. Người ta cũng không còn mặn mà với mỗi thứ bảy của tháng năm nữa. Qui luật chuyển biến của thời gian khiến nhiều trong số những con người một thời hết lòng với việc đạo đức này đã về với Chúa. Thế hệ trẻ dưới sự ảnh hưởng của giao thoa nền văn hóa đã khiến họ lai căn. Một thứ tiếp cận văn hóa nửa vời mà không hiểu rằng đời sống tinh thần, và địa lý cùng với tâm tính mỗi vùng lại khác nhau. Mình chỉ có thể tiếp cận cái mới cái hay của họ nhằm áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh hiện tại chứ không phải bê nguyên cái của họ vào của mình. Họ đơn giản hóa tất cả các việc đạo đức dưới sự ngụy biện rằng đạo tại tâm, cần gì phải rườm rà, hoa lá cành. Cứ làm đơn giản như Phương Tây ấy. Không còn các đoàn hội dâng hoa, các Khu xóm hoạt động hời hợt về tôn giáo. Việc dâng hoa cũng chỉ làm cho có, nếu ngày xưa có tới năm bảy hội dâng hoa kính Mẹ thì nay chỉ còn một.
Ngày xưa các em hớn hở và sẽ khóc nức nở nếu bị loại khỏi hội dâng hoa vì bất cứ lý do nào đó, thì nay năn nỉ các em cũng không có ai. Các em sẵn sàng biến mình thành những kiểu mẫu thần tượng Hàn, thuộc lòng các bài hát mới ra của các ca sĩ, nhưng lại mù tịt về các bài hát chúc mừng Đức Mẹ.
Cuộc sống thay đổi và lòng mỗi người cũng đổi thay, chiều thứ bảy với cơn gió mát vẫn giống như ngày xa xưa ấy, nhưng nếu ngày xa xưa ấy sẽ khó kiếm được ai đó làm việc vào chiều thứ bảy, thì nay lại thấy tấp nập, dẫu rằng đời sống của họ sung túc hơn xưa nhiều. Các hội đoàn dần tan rã, không còn hội trống, không còn hội trắc, không còn các hội đoàn với sắc áo màu sắc, và các hội đạo đức. Nếu ngày xưa người ta hớn hở mỗi chiều thứ bảy về thì nay tôi lại thấy dấu hiệu này dần phai nhạt. Tôi thầm tiếc xót cho một cuộc sống năm nào.
Tiến vào thánh đường, quì gối ngắm thánh tượng Mẹ, vẫn là thánh tượng Mẹ năm nào, nhưng không còn hoa tươi năm sắc mà thay vào đó là những bông hoa to, đều nhau, và màu sắc sặc sỡ nhưng thiếu hẳn đi sức sống, bởi đơn giản đó chỉ là những cánh hoa vải, tuy đẹp, to có khi còn hơn hoa thật, nhưng chúng lại thiếu đi sức sống. Phải chăng đó là một minh chứng cho sự dần chai cứng trong đời sống của giáo dân. Tiếng chuông chiều vang vọng ngân lên, tôi cứ ngỡ như tiếng chuông báo hiệu các đoàn kiệu tiến về giáo đường khi nào, lòng tôi lâng lâng một cảm xúc khó tả; nhưng không, đó là tiếng chuông báo hiệu cho việc tham dự thánh lễ chiều thứ bảy. Vâng ngày nay hơn ngày xưa là có linh mục và có thánh lễ vào mỗi chiều thứ bảy, thánh lễ Misa tuy rất cao quí, sẽ cao quí hơn nhiều nếu so sánh các việc đạo đức khác, nhưng trong lòng tôi vẫn trống rỗng, sự trống rỗng đến từ thực tế rằng, liệu giáo dân có lãnh nhận được ơn lành như khi xưa làm việc đạo đức đọc kinh rước kiệu mỗi thứ bảy? hay họ chỉ tham dự kiểu rằng, đi lễ thay cho chủ nhật để đỡ mang tội bỏ lễ buộc?!
Xin cho thực tại đừng là như thế, bởi nếu không có tâm tình và sự đơn thành thì cho dầu thánh lễ Misa có cao quí đến đâu mà sự tham dự hời hợt, lấy lệ thì sẽ không bao giờ có ơn ích như việc họ tham dự việc đạo đức kia với tấm lòng đơn thành sốt sắng. Tôi chào biệt giáo xứ với một nỗi lòng còn ngổn ngang suy tư. Mừng vì giáo xứ đổi mới với ngôi giáo đường khang trang hơn, đời sống vật chất giáo dân đổi mới hơn, nhưng mang nặng tâm tư về một tháng hoa của ngày nào. Một tháng hoa đã gieo vào lòng chúng tôi những tâm tình đạo đức sốt sắng, để từ đó trổ sinh nhiều ơn gọi cho Giáo hội. Liệu rồi đây tâm tình yêu mến Đức Mẹ trong lớp người trẻ ngày nay có hơn thế hệ chúng tôi ngày ấy. Điều này nằm trong trách nhiệm của tôi, của các bạn, của cha mẹ và của chính những mục tử, những nhà giáo dục đức tin cho giáo dân.
4. Tháng Hoa của Tâm Hồn Mỗi Con Người
Mỗi Con Người Làm sao để giữ được tháng Hoa với những đóa hoa của tâm hồn dâng kính Mẹ? Câu hỏi mà chính tôi cũng như các bạn đã nhiều lần tự vấn lương tâm. Đành rằng chính các việc đạo đức bề ngoài sẽ dễ hướng lòng chúng ta về với Mẹ hơn, nhưng nếu tâm không tịnh, lòng không hướng thì nào đâu có thể dâng Mẹ đóa hoa tâm hồn trong tháng dành riêng kính dâng Mẹ.
sao để khơi dậy lòng mến yêu tín thác cậy trông để nhờ Mẹ đến với Chúa? Không gì khác bằng hành động, hành động từ chính con tim, và từ chính mỗi người chúng ta. Thánh Anphongso Ligori đã quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đường”.
Phải chăng cuộc sống hào nhoáng bên ngoài xã hội đã hứa hẹn với biết bao điều thỏa mãn hạnh phúc ở trần gian này mà quên đi rằng chính hạnh phúc thiên đàng mới là điều đáng xây dựng. Tâm hồn chúng ta giờ đây đã bị xã hội hóa khiến đôi mắt đức tin dần trở nên lu mờ trong ảo vọng trần thế. Sự nhiệt tâm, sự chân thành, lòng yêu mến dần thay thế cho sự vô tâm, giả dối, ganh ghét nhau. Một thế hệ của sự hời hợt, thiếu bóng dáng của tình thương yêu quan tâm dành cho nhau, một thế hệ mà nơi các tâm hồn đã bị sự sợ hãi và lòng kêu ngạo bao trùm.
Có khi nào chúng ta chợt thức tỉnh rằng Mẹ đang khóc thay cho tội lỗi chúng ta, hay ta mải mê sự đời với tham vọng quyền lực, công danh, địa vị xã hội mà bỏ rơi Mẹ nơi giáo đường hiu quạnh? Có khi nào chúng ta cảm nhận được sự chờ đợi mỏi mòn của người Mẹ hiền mong chờ đứa con hoang đàng quay trở về để Mẹ được yêu thương chăm sóc vỗ về , hướng dẫn nó nhận biết đường nay nẻo chính ? Phải chăng hình ảnh người chủ chiên đã không còn là điểm tựa để chúng ta noi theo, hoặc nhà thờ không còn là điểm đến lý tưởng cho mỗi người chúng ta, hay nó đã lỗi thời so với các model của trào lưu sự phát triển chóng mặt như hiện nay ?
Có lẽ, dịp tháng hoa dâng Mẹ sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh sâu xa nơi tâm hồn mỗi người chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Mẹ kề bên để Mẹ cùng đồng hành che chở ta qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống, ý thức rằng Mẹ luôn cần nơi chúng ta những đóa hoa với tâm tình đơn sơ, những đóa hoa của đức khiêm nhường, đức bác ái, hoa hy sinh, hoa tận tụy phục vụ, hoa sẵn sàng dấn thân, hoa của lòng yêu mến, tin yêu, vị tha, hoa phó thác, hoa khao khát sống thánh thiện như Mẹ. Những đóa hoa đó mãi là những đóa hoa bất tử mang lại sự sống đời đời, luôn tỏa hương thơm ngát nơi tòa Mẹ cao sang.

                                Một số hình ảnh tháng dâng hoa đức mẹ tại Giáo Xứ Tử Nê












Share on Google Plus

Giáo Xứ Tử Nê

"Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (P1, 3-4).
    You Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét