ads slot

Tin bài đã đưa:

Suy niệm về nỗi cô đơn


Suy niệm về “nỗi cô đơn”

Con người được các nhà xã hội học định nghĩa như con vật có tính cách xã hội. Tính xã hội ấy được thể hiện qua việc con người luôn được sống, tháp nhập trong một xã hội hay một cộng đồng người nào đó. Bởi vì, nhu cầu cần thiết của bất cứ ai là muốn chia sẻ và được chia sẻ với mọi người xung quanh về những cảnh huống cuộc đời mà mình đang gặp phải hoặc biết đến. Con người sống trong thế giới và sống với nhau, bởi vậy chúng ta luôn tìm cách san chia và thông truyền cho nhau sự thiết yếu của đời sống mình: từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần và sâu xa hơn nữa là đời sống tâm linh của chính mình. Nhưng không phải lúc nào nhu cầu chia sẻ cũng được thỏa mãn, đôi khi việc chia sẻ bị hạn chế ở một số chiều kích: có thể bị ngăn cản trong đời sống tâm linh hay đời sống tinh thần hoặc trong những sinh hoạt thường nhật của đời sống vật chất nữa. Những lúc đó, con người bị rơi vào tình trạng cô đơn nơi mình và trong hoàn cảnh ấy, tùy theo mỗi người họ sẽ tìm cách thoái lui hoặc vươn lên vượt ra khỏi tình cảnh ấy.
Cô đơn là trạng thái sâu lắng của con người mình khi bản thân họ không thể thông chia điều cần thiết cho người khác. Như vậy, chúng ta có thể xét đến hai hoàn cảnh của sự cô đơn.
Hoàn cảnh đầu tiên được nói đến khi chung quanh chúng ta không có một ai khác hay chúng ta phải ở một mình. Sự cô đơn ập đến khiến chúng ta khó tránh khỏi và không thể né tránh vì cô đơn là tất yếu khi chúng ta không được một ai đó ở bên cạnh để san chia những điều ấp ủ hay đồng cảm với những hoàn cảnh của mình. Nỗi cô đơn xâm chiếm cõi lòng và làm cho chúng ta có một cảm giác khó có thể vui lên được, nhưng cao nhất của sự cô đơn đưa chúng ta đến một nỗi sợ trong cảm nhận và giác quan. Cảm giác sợ chính là cảm giác của nỗi cô đơn khi chúng ta không được cảm thông của mọi người xung quanh. Chúng ta vẫn thường nói đến sợ một cái gì đó như sợ ma hay sợ những thế lực thần thiêng khác. Có thể ta phải trải qua kinh nghiệm để có thể hiểu thêm về sự cô đơn đang hiện diện nơi chính mình. Tôi nhớ về mùa hè với thời gian ngắn trong ngôi nhà Phụng Từ Đường của một dòng họ chỉ có một mình. Mỗi đêm về nhìn trên giường thờ ánh sáng leo lét của ba cây nhang điện trong ngôi nhà âm u được dựng nên từ nền của nhà để xe tang cũ trong làng. Trong đêm đầu tiên, một nỗi sợ ập đến khiến những giác quan cảm thấy lạnh lẽo và khó ngủ; tất nhiên phải gần một giờ đồng hồ trôi qua với nỗi sợ của mình, tôi dần quen và được an giấc. Sau một tuần trôi qua, khi có một người khác cùng đến ở với mình, cảm giác sợ của tôi không còn chút nào và không gợi lại nỗi sợ hãi bất cứ lúc nào và tôi tự hỏi vậy nó từ đâu đến. Chúng ta vẫn quan niệm ma quỷ hay những thế lực thần thiêng không bị giới hạn bởi thế giới vật chất và vượt ra ngoài khả năng hiểu biết của mình; nhưng cảm giác sợ lúc này không còn nữa vì tôi được một người khác đồng hành với mình trong hoàn cảnh hiện tại. Như thế, nỗi cô đơn bị lấy đi và vì thế nỗi sợ cũng không còn nữa. Nỗi sợ chính là một thể hiện của sự cô đơn khi chúng ta không được chia sẻ hay hiệp nhất với một ai khác ngoài mình hay với một cộng đồng xã hội trong một thời điểm nhất định.
Con người không chỉ cô đơn khi họ chỉ có một mình, bởi chưng cô đơn là vì họ không được chia sẻ và đồng hành những người chung quanh. Bởi đó, chúng ta vẫn có thể cô đơn ngay khi chúng ta đang ở giữa một cộng đồng người hay nói cách khác khi chúng ta bị cô lập cách chủ động hay thụ động bởi cộng đồng chúng ta đang sống. Tình trạng này như một cánh chim bị cô đơn giữa biển người. Tình cảnh cô đơn ở đây khi con người chúng ta không có một tiếng nói chung, không cùng một nhịp sống với môi trường xung quanh hoặc đôi khi chính hoàn cảnh của chúng ta khiến chúng ta cảm thấy cô đơn. “Phố đông người anh chỉ nhớ riêng em” – đây cũng có thể là hoàn cảnh của những cặp tình nhân phải cách xa nhau; cho dù đang ở chỗ đông người nhưng vẫn lên đường tìm kiếm một hình bóng của riêng mình đang không ở bên cạnh. Bởi vậy, họ vẫn cảm thấy cô đơn, trống trải và lạnh lùng dù đang ở giữa phố đông người. Đây chính là trạng huống đau khổ của con người vì chúng ta không thể chia sẻ cho dù xung quanh chúng ta có rất nhiều người, nhưng người đó vẫn luôn tìm kiếm, khắc khoải một mối liên hệ, một sự đồng hành của người khác hay của một ai đó không ở bên cạnh mình. Chính vì thế, nhu cầu cần thiết của con người là tìm cách tránh né khỏi rơi vào tình cảnh cô đơn bằng những phương thế thích hợp của mình. Khi rơi vào tình cảnh cô đơn có thể chúng ta sẽ co cụm lại một mình gặm nhấm nỗi cô đơn trong sự sợ hãi để rồi bị chính nó ăn mòn và làm mình gục ngã; cũng có khi chúng ta sẽ đứng lên phản kháng ra ngoài hay vượt lên trên sự cô đơn, hoặc cũng có thể chúng ta sẽ lợi dụng nỗi cô đơn như cơ hội để tìm kiếm những cảm nghiệm về một điều gì cao quý ẩn khuất đàng sau nó.
Chúng ta có thể rơi vào tình trạng cô đơn, đôi khi chúng ta muốn thoát ra khỏi tình cảnh ấy bằng cách nhớ nhung lại những khoảng thời gian hay nhớ tới một ai đó, chúng ta nghĩ rằng những nhớ nhung đó sẽ giúp ta giảm bớt nỗi buồn và kéo ta ra khỏi sự cô đơn bằng cách lấp đầy thời giờ bằng nhung nhớ. Nhưng chúng ta không ngờ chính những nhớ nhung hay hoài niệm ấy ngày một nhấn chìm chúng ta trong nỗi cô đơn cách sâu sắc hơn. Bởi chưng, càng nhớ tới ai đó hay một cảm xúc nào đó, chúng ta càng ước ao có được lại khoảng thời gian bên họ hoặc thời điểm cảm xúc đó, chính vì vậy, chúng ta càng rơi vào vực thẳm của nỗi cô đơn và nỗi buồn ngày càng thêm da diết. Bởi đau khổ của con người chính là đã một lần biết đến hạnh phúc, và khi đau khổ là lúc chúng ta đang tìm kiếm cảm giác hạnh phúc mà chúng ta đã được hưởng, hay vì cảm giác ấy nay đã không còn nữa mà chúng ta cứ mãi kiếm tìm mà so sánh hoàn cảnh hiện tại với những phút giây ngây ngất đã qua. Vì vậy, cô đơn ngày càng một lớn lên khi chúng ta tìm cách lấp đầy thời giờ bằng những nhớ nhung hay hoài niệm những gì đã qua hay những người đã xa cách. Như vậy, làm thế nào để thoát khỏi cảnh cô đơn mà ta đang vấp phải hay phải chăng là bất khả?
Cô đơn là hoàn cảnh tất yếu mà ai cũng có thể gặp phải và có những giây phút trải nghiệm; để thoát khỏi nó điều cần thiết phải tìm cách chia sẻ với một ai đó điều mà chúng ta muốn chia sẻ hoặc hiệp thông với một ai đó hoặc một cộng đồng người để thoát khỏi hoàn cảnh này. Nhưng ai đó ở đây là ai nếu chúng ta không tìm được một người ở bên cạnh, ai đó là ai nếu chúng ta không tìm được một người nào đồng cảm giữa muôn người trong cuộc sống; cô đơn vẫn hoàn cô đơn cho dẫu ta đang ở giữa phố đông người. Những lúc đó, con người phải đối diện với chính sự thinh lặng sâu thẳm của mình, đối diện với chính con người của mình nơi thanh vắng – nơi mà chúng ta có thể một mình nhưng cũng có thể tìm gặp được Đấng Tác Thành nên mình. Thiên Chúa được biết đến ngay trong bản tính vô hình của mình. Giáo lý của Giáo Hội dạy cho ta biết về vị Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi cảnh huống trong đời sống mình; hơn thế nữa, con người cũng cảm nghiệm về Ngài ngay trong cuộc đời của mình với những nâng đỡ, ủi an và cả sự đồng hành của Ngài trong cuộc sống mình. Như thế, ngay trong nỗi cô đơn của chúng ta, Thiên Chúa vẫn ở bên mà ta không có cảm nhận về Ngài. Bởi vậy, điều cần thiết là khơi lên mối hiệp thông với chính Ngài ngay trong nỗi cô đơn mà ta đang gặp phải. Những người tu sĩ và linh mục trong đời sống hôm nay chắc hẳn luôn phải đối diện với nỗi cô đơn trong cuộc sống của họ. Bởi chưng mỗi ngày họ phải đi quãng đường cuộc sống chỉ một mình và đồng hành với cuộc sống của những người xung quanh nhưng không phải là của mình theo nghĩa chia sẻ những điều sâu thẳm nhất. Cuộc đời họ luôn có những niềm vui với cộng đoàn nhưng khi đêm về họ chỉ có một mình đối diện với những bức tường trơ trụi. Một linh mục đã cầu nguyện về nỗi cô đơn của mình:
“Lạy Chúa, chiều hôm nay con chỉ có một mình, những tiếng động trong nhà thờ dần im tắt. Những người đi lễ về hết rồi và con trở về nhà xứ có một mình. Con gặp những người đi dạo về, con đi qua những rạp hát chật ních người ra vào. Con thả bước dài qua các quán café đầy những người có vẻ buốn chán đang gượng gạo kéo dài cuộc vui của ngày Chúa Nhật. Con gặp thấy nhiều trẻ con đang chơi trên các vỉa hè, nhưng lay Chúa, những trẻ con của người ta chứ không bao giờ là của con. Lạy Chúa, này con đây con chỉ có một mình thôi, sự im lặng làm con ngạt thở, sự cô quạnh đè nặng trên con. Lạy Chúa, năm nay con được ba mươi tư tuổi, con có một thân thể như những người khác, con có những bàn tay gân guốc để làm việc, với một quả tim được dành để yêu thương. Nhưng con đã phó dâng cho Chúa hết rồi. Thật ra Chúa đang cần những cái đó, con đã phó dâng tất cả cho Chúa rồi, nhưng lạy Chúa dâng như vậy thật là đau khổ.
Thật đau khổ khi con phải dâng thân xác cho Chúa bởi vì thân xác ấy nó muốn tự hiến cho một người khác.
Thật đau khổ khi con phải yêu tất cả mọi người mà không được giữ riêng lại cho mình một người nào.
Thật đau khổ khi con bắt lấy một bàn tay mà con không được giữ luôn.
Thật đau khổ khi con gây được một mối tình rồi lại phải trao mối tình đó cho Chúa.
Thật đau khổ khi con không được sống cho mình một chút nào mà phải hoàn toàn sống cho người khác.
Thật đau khổ khi con nhận biết những sâu kín của người ta mà con không được tiết lộ cho ai.
Thật đau khổ khi con phải luôn ra tay nâng đỡ những người yếu đuối mà con thì không bao giờ nương tựa được vào một người mạnh nào.
Lạy Chúa, này con đây, này thân xác con này trái tim con này linh hồn con. Xin cho con được cao thượng đủ để vượt lên khỏi thế gian, xin cho con được mạnh mẽ đủ để nâng đỡ thế gian, xin cho con được trong sạch đủ để ôm ấp thế gian mà không hề muốn giữ nó lại cho con, xin cho con được nên như một môi trường gặp gỡ, nhưng là một môi trường tạm thời, cho con nên như con đường không cùng lối hướng dẫn anh em đi tới Chúa.
Lạy Chúa, chiều hôm nay trong khi mọi sự đều yên lặng và trong khi trái tim con cảm thấy đau đớn vì cô quạnh, trong khi mọi người đang dày vò tâm hồn con và con cảm thấy mình bất lực để làm cho họ được thỏa mãn. Trong khi bao nhiêu khốn nạn và tội lỗi của cuộc đời này là cả một sức mạnh đè trên vai con. Thì lạy Chúa, con xin nói lại với Chúa là con sẵn sàng hy sinh luôn, không phải với một giọng cười giễu đâu, nhưng con nói một cách chậm dãi, suy nghĩ và khiêm tốn. Lạy Chúa, này con đang ở một mình trước mặt Chúa trong sự im lặng của buổi chiều nay”.
Sự cô đơn luôn đè nặng cuộc đời con người ngay cả khi họ đã được chọn cho sứ vụ của Chúa. Nhưng thật may mắn cho họ cũng như cho tất cả mọi người vì chúng ta biết đến cầu nguyện để đến gần Thiên Chúa, để Ngài sẽ đồng hành với chúng ta ngay trong sự sâu thẳm của mình. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta đối thoại với Thiên Chúa, nói chuyện được với Chúa và có thể đối thoại với mọi người chung quanh ta. Cầu nguyện cũng giúp chúng ta chia sẻ và đi sâu vào mối tương quan với Thiên Chúa là Đấng ở cùng chúng ta. Người tu sĩ cũng sẽ kín múc nơi cầu nguyện sự chia sẻ cần thiết và bước qua nỗi cô đơn để hiện diện cùng Chúa và với Chúa. Chính trong cầu nguyện, con người dâng nỗi cô đơn lên Chúa như một cảm nghiệm để đến với Chúa cách dễ dàng hơn.
Thiên Chúa vẫn hiện diện để giúp chúng ta trong mọi trạng huống của cuộc sống. Nỗi cô đơn và sợ hãi đôi khi sẽ đến gõ của tâm hồn của chúng ta, chúng ta hãy nhớ tới lời Chúa dạy: “Đừng sợ” chúng ta không sợ vì có Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và Thiên Chúa sẽ an ủi, sẻ chia và nâng đỡ để ta không còn cô đơn nhưng được đi vào thông dự mối hiệp nhất với Ngài trong một cộng đoàn mà ta được tháp nhập vào. Hiệp nhất với Chúa luôn phải được thể hiện ra bên ngoài bằng việc hiệp nhất với mọi người chung quanh vì nỗi cô đơn chỉ biến mất khi chúng ta đến được với mọi người. Để làm được điều đó, chúng ta phải ý thức được hiện tại tính của đời sống mình. Vì chúng ta luôn tự hỏi:
* Nơi đâu là nơi quan trọng nhất đối với tôi?
* Lúc nào là thời điểm quan trọng nhất đối với tôi?
* Ai là người quan trọng nhất đối với tôi?
Câu trả lời không nằm ở nơi nào xa xôi nhưng lại ở ngay trong chúng ta. Vì nơi quan trọng nhất đối với tôi chính là nơi tôi đang hiện diện; thời điểm quan trọng nhất với tôi chính là thời gian hiện tại hay thời điểm tôi đang sống, vì chưng quá khứ thì đã qua và tương lai thì chưa đến, và cả hai thời gian đó chúng ta không thể nào tác động vào nhưng chúng ta chỉ có thể tác động vào hiện tại để cuộc sống của ta hạnh phúc mà thôi. Ai là người quan trọng nhất đối với tôi nếu không phải là người đang người đối diện với tôi, bên cạnh của tôi trong lúc này, chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm và tình cảm của ta để tăng thêm mối tương quan với họ hầu nỗi cô đơn của sự bất sẻ chia không thể nào ập đến.
Cô đơn là một trạng thái của con người hôm nay khi chúng ta cố tình đóng cửa tâm hồn mình với người khác. Cuộc đời hiện tại có những nỗi cô đơn vô tình ập đến vì mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh khác biệt. Ngày hôm nay mọi người dần tạo cho nhau nỗi cô đơn ngay trong gia đình mình khi cha mẹ và con cái không còn có thời gian để trò chuyện, chia sẻ và cùng nhau có thời gian cầu nguyện. Chúng ta sợ hãi cảm giác cô đơn nhưng chúng ta lại không muốn hành động để cho mình thoát khỏi trạng huống đó. Bởi vậy, điều cần thiết là chính chúng ta cần phải vượt lên chính mình để có thể biến đổi chính mình, đồng thời biết gia tăng mối tương quan với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và với tha nhân qua đời sống cộng đoàn, cùng qua những cố gắng trong việc củng cố mối hiệp nhất của mình trong cộng đoàn mình được tháp nhập.
Mục Đồng Nguyễn
Share on Google Plus

Giáo Xứ Tử Nê

"Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (P1, 3-4).
    You Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét