ads slot

Tin bài đã đưa:

Những khuôn mặt Giuse

Những khuôn mặt Giuse


Alexandr_Ivanov_049Nghiên cứu khảo xét trong Kinh Thánh về gia phả nguồn gốc gia đình Chúa Giêsu trong ý nghĩa thần học, cùng trong liên hệ bản tính loài người, người ta thấy hai Vị Giuse giữ vai trò quan trọng then chốt.
Vị Giuse con Ông Giacop bị anh em bán sang Ai Cập. Ở nơi đó Ông đã làm Thủ Tướng và có công cứu dân không chỉ ở Ai Cập, mà còn toàn vùng Trung Đông, trong có có nước Do Thái gia đình Ông thoát khỏi nạn mất mùa đói kém hoành hành.
Giuse con Tổ phụ Giacop và Bà Rahel thời cựu ước hay Giuse Ai Cập
Và Vị Giuse, người bạn đường trăm năm của Đức mẹ Maria, là cha nuôi Chúa Giêsu trên phương diện xã hội ở trần gian.
Giuse người Nazareth thời tân ước.
1. Tên của hai người Giuse là biểu tượng cho sự may mắn hạnh phúc.
Khi sinh thành Giuse Ai Cập, là con Ông Giacop, bà Rahel mẹ của Giuse đã nói : Thiên Chúa ban cho bà thêm người con nữa (St 30, 24.)
Giuse thành Nazareth cũng là người mang hạnh phúc niềm vui đến. Vì Ông giữ vai trò xã hội là cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu
2. Hai vị Giuse đều là những vị có những giấc mơ.
Những giấc mơ của Giuse Ai Cập phản ảnh thực tại và là người của điều may mắn: Thiên Chúa ở cùng Giuse và ban cho ông được may mắn hạnh phúc (St 39,2.)
Giuse Ai Cập đi tìm anh em của mình và cứu sống 12 chi tộc Israel, dù vì giấc mơ của Ông mà bị anh em bán sang Ai Cập. ( St 37,16.)
Giuse thành Nazareth cha nuôi Chúa Giêsu theo lời Thiên Thần trong giấc mơ đặt tên cho con trẻ là Giêsu : Con trẻ Giêsu sẽ cứu thoát dân khỏi tội lỗi. (Mt 1,21) và ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. ( Mt 1,23)
3. Có những giấc mơ. Nhưng cả hai Giuse đều phải theo đuổi trải qua con đường gian nan chông gai đi sang đất nước Ai Cập. Giuse Ai Cập bị anh em bán cho lái buôn người Ismael sang Ai Cập ( St 37,28-36). Còn Giuse thành Nazareth cha nuôi Chúa Giêsu (Mt 2,13-15) phải đi tỵ nạn sang Ai Cập vì vua Herode tìm lùng bắt các trẻ con mới sinh, trong đó có hài nhi Giêsu.
4. Ý định đen tối trong đời hai Giuse đều được Thiên Chúa biến đổi cứu sang chúc lành.
Anh em Giuse thời Cựu ước bán Giuse sang Ai Cập, khiến Ông phải sống đời lưu vong bơ vơ. Nhưng đó là „ để bảo vệ giữ gìn sự sống, mà Thiên Chúa đã gửi tôi sang đây trước các anh em.(St 45,5.) „ Các anh em đã có ý định đen tối hại tôi, nhưng Thiên Chúa đã biến thành sự tốt lành. (St 50,20.)
Tương tự như vậy, Thiên Thần Chúa trong giấc mơ đã thúc dục Giuse thành Nazareth phải đem hài nhi Giêsu sang Ai Cập, vì vua Herode đang tìm lùng bắt con trẻ. (Mt 2,13.)
Cả hai Giuse phải ra đi trong sự đe dọa bị ám hại. Nhưng Thiên Chúa đã biến đổi sự đe doạ thành cứu rỗi.
5. Giuse thời cựu ước và Giuse thời tân ước đều có tấm lòng tha thứ rộng lượng.
Giuse Ai Cập thời cựu ước khi gặp lại anh em bên Ai Cập đã tha thứ cho họ. Ông không trả thù vì ngày xưa họ đã tìm cách ám hại sau cùng bán ông sang xứ xa lạ. Vì đó ông lâm cảnh bơ vơ mồ côi xa cha mẹ. (St 45,1-5).
Còn Giuse thành Nazareth thời tân ước đau khổ, khi hay tin Maria người bạn đường đã đính hôn đang có thai. Nhưng Ông không muốn để Maria một mình bị nguyền rủa khinh khi (Mt 1,19). Ông đã chấp nhận Maria như Thiên Thần Chúa truyền dạy.
Cả hai Giuse tỏ ra là người có đời sống công chính theo đúng luật lệ của Chúa. Và là người có lòng nhân ái quảng đại.
6. Cả hai Giuse đóng vai trò chiến lược là nhịp cầu nối kết.
Giuse Ai Cập thời cựu ước như nhân vật bản lề của cánh cửa lịch sử thời các Tổ phụ, tổ tiên một bên, và cảnh tượng bi thảm của cuộc giải thoát xuất hành khỏi Ai Cập trở về đất Chúa hứa một bên khác. Vị Giuse này đã mang đến làn gío đổi mới cắt nghĩa tại sao dân Israel có mặt ở Ai Cập.
Còn Giuse thành Nazareth cũng đứng nơi vị trí bản lề giữa lịch sử Israel và sự nối tiếp lạ lùng ngạc nhiên của lịch sử trong cộng đoàn mới thành hình cho dân Do Thái và dân ngoại chung hợp với nhau. Vị Giuse này là bảo chứng về dòng dõi vua David được nối tiếp trong lịch sử dân Do Thái. Vì Ông có nguồn gốc gia phả từ dòng dõi vua David (Mt 1,1.20 2,6). Và như thế Chúa Giêsu cũng là miêu duệ thuộc dòng dõi vua David, người đã thành lập nước Israel.
7. Cả hai Giuse cùng có thời gian sinh sống bên Ai Cập, tuy Giuse thành Nazareth ở ngắn thời gian hơn. Con đường sang sinh sống bên Ai Cập của cả hai không chỉ là sự sống còn của riêng bản thân họ, nhưng còn cho cả gia đình , phải cho sự cứu độ dân Israel và toàn nhân loại.
Giuse Ai Cập cứu đói cho dòng tộc gia đình con Tổ phụ Giacop
Giuse thành Nazareth cứu trẻ Giêsu bị tìm lùng bắt.
8. Cả hai lịch sử đời sống của Giuse đều có vua đóng vai trò chủ chốt. Một bên vua Pharo Ai Cập là hình nảnh tích cực tốt đẹp với Giuse Ai cập. Vua đã tin tưởng phong cho Giuse làm quan Tể Tướng về phương diện chính trị cai trị nước Ai Cập.
Đối diện là Vua Herode là một hình ảnh tiêu cực đen tối. Vua vì ghen tức, lo sợ cho uy quyền ngai vàng của mình, mà truy lùng bắt giết trẻ Giêsu cùng các trẻ con cùng thời tuổi với trẻ Giêsu. Và vị vua trẻ Pharo của Ai Cập thời hậu Giuse Ai cập cũng là một hình ảnh tiêu cực đen tối. Chính vị vua trẻ Pharao này đã kỳ thị hành hạ người Israel sinh sống bên Ai Cập. Và do đó dẫn đến lịch sử xuất hành của dân Do Thái từ Ai Cập trở về quê hương Do Thái.
9. Giuse thành Nazareth thời tân ước theo lời Thiên Thần truyền đã đặt tên cho con trẻ sinh bởi mẹ Maria là Giesu. Tên Giêsu có sự phù hợp với tên Josua. Theo văn hóa Do Thái tiếng Hylạp không phải là sự tương tự giống nhau, nhưng là cùng một tên.
Theo bản dịch Kinh Thánh Septuaginta – bản Bảy mươi – tên Josua quan trọng. Tên Iesous và sách Josua cũng gọi phù hợp như vậy. Josua trong lịch sử của Giuse Ai Cập đóng vai trò lớn. Josua là người đã chôn cất Giuse Ai Cập ở Sichem (Sách Josua 24,32), sau khi dân Israel đã đưa hài cốt Giuse từ Ai Cập trở về quê hương Israel.
Ngôi mộ Giuse Ai Cập hiện ở vùng Samaria bên dưới ngọn núi Garizim, gần giếng nước Giacop, nơi Chúa Giêsu gặp gỡ nói chuyện với một chị phụ nữ người Samaria. Giếng nước Giacop hiện nằm trong đền thờ Chính Thống giáo, được gìn giữ bảo quản cẩn thận. Khách hành hương có thể lấy nước từ dưới lòng giếng lên theo cách trục kéo cuốn giây kiểu cổ nhà quê, nhưng lại đượm nét bình dân thi vị thân mật.
Giacop con của Tổ phụ Isaak được Thiên Chúa đổi tên thành Israel (St 33,29). 12 con Ông Israel , trong đó có Giuse Ai Cập, là 12 chi tộc của dân tộc Israel
Và như vậy Giuse và Giosua có mối liên hệ tương quan với nhau chặt chẽ.
10. Sau khi các anh em bán Giuse cho người lái buôn Ismael sang Ai Cập, họ lấy chiếc áo chùng dài tay của Giuse nhúng thấm máu con dê rồi đem về cho Tổ phụ Giacop và nói là Giuse đã bi thú dữ ăn thịt. Họ chỉ còn tìm thấy chiếc áo dính máu của Giuse mang về đây. (St 37, 28-33).
Sau khi Chúa Giêsu bị đóng định trên thập gía, những người lính có nhiệm vụ canh gác nơi đó cũng lấy chiếc áo dài chùng của Chúa Giêsu bắt thăm chia nhau. (Ga 19, 23-24).
Áo của Giuse Ai Cập dính máu chiên dê đã đưa Ông sang sinh sống bên Ai Cập và sau đó cứu dân Ai Cập và gia tộc Giacop khỏi cảnh chết đói.
Áo của Chúa Giêsu con Giuse thành Nazareth thấm dính máu của Người trên con đường vác thập gía bị hành hạ và đã chết trên thập gía. Nhưng Ngài không dừng ở lại mãi trong sự chết. Sau ba ngày Ngài đã sống lại từ cõi chết mang lại sự sống mới cho toàn thể con người khỏi hình phạt tội lỗi.
Như thế có thể suy ra rằng đó là những chiếc áo cứu độ.
12. Ngoài hai vị Giuse trên, còn một nhân vật Giuse nữa không chỉ trong Kinh Thánh, mà còn liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu vào giờ phút cuối đời của Chúa Giêsu: Giuse thành Arimathia.
Theo Kinh thánh thuật lại, nhân vật Giuse này là một môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng không lộ diện ra mặt công khai, vì sợ người Do Thái. Ông là người Do Thái, một người gầu có, là một trong những Thành Viên của thượng Hội Đồng Do Thái. Nhưng cũng là người có đời sống tốt lành công chính cùng rộng lượng.
Vị Giuse thành Aromathia là người tin Chúa Giêsu là con Thiên Chúa. Và từ xa xa theo dõi vụ án xử Chúa Giêsu, Ông không bằng lòng với phán quyết của Thượng Hội đồng đòi giết Chúa Giêsu.
Không làm sao hơn được, Ông âm thầm chuẩn bị cho cuộc mai táng Chúa Giêsu. Ông đã cho đào sẵn một huyệt mộ gần nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Khi hay biết Chúa Giesu đã chết, Ông can đảm mạnh dạn đến xin quan Philato cho được tháo xác Chúa Giesu xuống, và tẩm liệm trong tấm khăn vải mới, rồi cùng với Ông Nicodemo xức dầu thơm mai táng thân xác Chúa Giêsu trong huyệt mộ còn mới sẵn có của chính ông (Mt 27,57-60).
Giuse Ai Cập thời cựu ước là người có đời sống công công chính đã có công cứu dân Ai Cập và gia đình dòng tộc Israel khỏi cảnh chết đói.
Giuse Ai cập làm quan chức vị lớn, nhưng đã mang niềm hy vọng cho đời sống ấm no của dân chúng toàn vùng, toàn nước.
Phải chăng đây là hình ảnh báo trước ơn cứu độ sau này vào thời Tân ước Chúa Giêsu mang đến cho con người?
Giuse thành Nazareth là cha nuôi Chúa Giêsu là người có đời sống công chính âm thầm lặng lẽ. Vị Giuse này không để lại một mảy may lời nào. Nhưng Ông lắng nghe những gì Thiên Chúa nói qua ThiênThần, và cứ thế âm thầm làm cho Chúa Giêsu, Đấng cứu thế cứu toàn nhân loại khỏi hình phạt tội lỗi.
Giuse thành Nazareth góp phần tích cực cho niềm hy vọng, cho chương trình ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi mẹ Maria, nơi nhân loại được thể hiện qua việc Ông đảm nhận vai trò là cha nuôi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trên trần gian. Ông đến cùng làm việc âm thầm. Và Ông ra đi cũng lặng lẽ. Nhưng trên trời và dưới trần gian thời nào cũng nhắc nhớ đến Ông với lòng cung kính cảm phục biết ơn.
Giuse thành Nazareth đã đóng góp thiết yếu vào việc Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người trên trần gian mang ơn cứu độ cho nhân loại
Giuse thành Arimathia là người vị vọng chức quyền trong xã hội, cũng là người có đời sống công chính, âm thầm lặng lẽ, và có lòng kính sợ Thiên Chúa. Ông đã ra tay tháo gỡ xác Chúa Giêsu từ trên thập gía xuống và an táng với hết lòng thành kính, như lễ an táng một vị Vua, trong huyệt mộ mới của chính Ông đã có sẵn.
Phải chăng Ông Giuse Arimathia đã tẩm liệm Chúa Giesu trong tấm khăn vải mới, rồi mai táng Chúa Giêsu trong ngôi mộ mới là dấu hiệu nói lên, sự sống mới của Chúa Giêu sống lại bừng lên mang lại niềm hy vọng mới cho con người cũng được cứu rỗi?
Lễ kính Thánh Giuse, 19.03.2015


Lm.Daminh Nguyễn ngọc Long
Share on Google Plus

Giáo Xứ Tử Nê

"Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (P1, 3-4).
    You Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét